|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bức tranh tăng trưởng quý II của các nền kinh tế Đông Nam Á: Việt Nam khác hoàn toàn so với nhóm còn lại

19:50 | 16/08/2021
Chia sẻ
Sau khi Thái Lan công bố kết quả tăng trưởng quý II đạt 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bức tranh tăng trưởng kinh tế quý II của các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đã dần được hoàn thiện.

Thái Lan tăng 7,5% trong quý II, nhưng triển vọng kinh tế vẫn rất thấp

Ngày 15/8, Cơ quan Kế hoạch Kinh tế Thái Lan đã công bố tăng trưởng GDP quý II của Thái Lan tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần tăng đầu tiên sau 6 quý. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trong tương lai vẫn rất khó khăn do sự bùng phát dịch của biến thể Delta, Nikkie Asia đưa tin.

Trước đó, nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng âm 2,6% trong quý I so với cùng kỳ. Tăng trưởng quý II được đánh giá phần lớn là do sự phục hồi từ việc sụt giảm mạnh trong năm trước.

Trong suốt quý II, Thái Lan đã phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ ba. Tuy nhiên cho đến cuối tháng 6, Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn không áp dụng các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt, như cấm người dân ăn tối tại các nhà hàng.

Điều này trái ngược với những gì diễn ra trong năm trước, khi việc đóng cửa được thực hiện từ đầu quý và dần dỡ bỏ trong những tháng tiếp theo.

Toàn cảnh tăng trưởng kinh tế quý II của các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á - Ảnh 1.

Chương trình "hộp cát Phuket" là một trong những giải pháp được Chính phủ Thái Lan áp dụng để khôi phục du lịch cũng như nền kinh tế trong nước. (Ảnh: Reuters).

Tiêu dùng tư nhân tăng 4,6%, cao hơn so với mức giảm 0,3% trong quý I, nhưng không đủ đề bù đắp cho mức sụt giảm 6,7% trong quý II/2020. Cơ quan này cho biết: "Các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một số đợt phát tiền mặt để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp".

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng góp phần vào tăng trưởng của Thái Lan. Xuất khẩu hàng hóa tăng 30,7% kéo dài mức tăng trưởng 3,2% được ghi nhận trong quý I. Xuất khẩu dịch vụ, bao gồm chi tiêu của những người không cư trú như khách du lịch, tiếp tục trượt dốc, giảm 1,9%.

Về mặt sản xuất, ngành công nghiệp chế tạo tăng 16,8%, bù lại mức giảm 14,7% được ghi nhận một năm trước đó và phản ánh xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,2%, trong khi vận chuyển và lưu kho tăng 11,6%.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong tương lai ở mức rất thấp. Đợt dịch COVID-19 lần thứ ba đã buộc Thái Lan phải tái thiết lập các lệnh cấm nghiêm ngặt ở các tỉnh, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và khách du lịch nước ngoài.

Cơ quan Kế hoạch Kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Thái Lan năm nay xuống còn 0,7-1,2% từ mức 1,5-2,5% (mức dự báo cách đây ba tháng). Đây là lần sửa đổi giảm mức dự báo lần thứ ba của cơ quan này.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á từ 1,8% xuống 0,7% trong một tuyên bố được công bố sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ vào ngày 4/8. Đối với năm 2022, Ngân hàng Trung ương dự báo tăng trưởng 3,7%, giảm so với dự báo trước đó là 3,9%.

Nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng âm 6,1% trong năm 2020, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1998 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á,

Nhóm 5 nước tăng trưởng quý II cao hơn Việt Nam nhưng do mức nền thấp

Bức tranh tăng trưởng quý II của các nền kinh tế Đông Nam Á: Việt Nam khác hoàn toàn so với nhóm còn lại - Ảnh 2.

Trước đó, ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã công bố nền kinh tế nước này trong quý II tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2020, nền kinh tế nước này từng ghi nhận sự suy giảm mạnh ở mức 17,1%.

Song, ngân hàng này cũng đã cắt giảm mạnh mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cả năm xuống 3% - 4%, so với mức 6% - 7,5% ban đầu.

Toàn cảnh tăng trưởng kinh tế quý II của các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều nền kinh tế Đông Nam Á phải đối mặt với khó khăn. (Nguồn: Reuters).

Theo số liệu được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố, kinh tế nước này tăng trưởng 14,7% trong quý II, tiếp tục đà phục hồi ổn định sau những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý II/2010.

Hai quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Philippines cũng vừa công bố tăng trưởng quý II, lần lượt ở mức 7,07% và 11,8%.

Với tốc độ tăng trưởng quý II đạt 11,8% ở Philippines đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc suy thoái kéo dài 15 tháng do đại dịch gây ra. Quý II vừa qua, kinh tế nước này phục hồi từ mức giảm 17% trong quý II năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/1988.

Song, các nhà phân tích cho biết, việc áp dụng những biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch, ngăn sự lây lan của biến thể Delta, có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng trong nửa cuối năm nay.

Nền kinh tế của Indonesia cũng đã thoát ra khỏi sự suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng 7,07% trong quý II. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP nhanh nhất sau 17 năm kể từ quý IV/2004.

Dù vậy, theo Nikkei Asia, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn sẽ gặp phải những trở ngại trong những quý tới. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được đưa ra hồi đầu tháng 7 nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm COVID-19 sẽ đè nặng lên triển vọng của nên kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng quý II đạt 6,6%. Con số tăng trưởng trong quý II của Việt Nam, tuy thấp hơn tương đối với các nước, nhưng dựa trên mức nền quý II năm ngoái, vẫn tăng trưởng dương 0,4%.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.