|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng

07:47 | 24/08/2021
Chia sẻ
Từ ngày 23/8, người dân TP HCM được chính quyền địa phương hỗ trợ 'đi chợ hộ', với nhiều phương thức khác nhau, từ đăng ký qua các tổ hỗ trợ ở khu phố cho đến hình thức điền mẫu qua mạng hay mua theo combo của siêu thị.

Lần đầu tiên và chưa từng có tiền lệ là những gì để miêu tả về hoạt động "đi chợ hộ" mà các đơn vị quận/huyện ở TP HCM đang triển khai trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.

Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, nhằm hạn chế việc ra khỏi nhà và lưu thông trên đường, từ ngày 23/8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân đều được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ". 

Đặt hàng qua phiếu đi chợ hộ hoặc gửi đơn hàng qua Zalo

Tìm hiểu nhanh ở các quận trên địa bàn, nhiều phường đã nhanh chóng thông báo về mô hình "đi chợ giúp dân" kèm theo số điện thoại liên hệ.

Như ở phường 4 (quận 3), người dân sẽ đăng ký đơn hàng một lần/ tuần với Hội Liên hiệp Phụ nữ. 17h mỗi ngày, nhóm đi chợ giúp dân sẽ chốt các đơn hàng, để sáng hôm sau ra siêu thị mua hàng, về phân ra theo từng đơn cho người dân.

Người dân TP HCM 'đi chợ hộ' thế nào trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội? - Ảnh 1.

Việc mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sẽ đăng ký đơn hàng qua mô hình “đi chợ giúp dân” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 3.

Đại diện phường 4 cho biết vì mới triển khai, ngày 23/8 chỉ nhận được 13 đơn hàng. Đến 10h sáng 23/8, lực lượng đi chợ giúp dân đã soạn các đơn hàng mua về từ siêu thị, dán kèm theo hóa đơn thanh toán để đi gửi đến những ai đã đặt hàng.

“Mấy ngày nay thấy mọi người kéo nhau đi siêu thị xếp hàng mua đồ, tập trung đông đúc cũng sợ lắm. Mình ở nhà, gửi "đi chợ hộ" lại cảm thấy yên tâm hơn”, bà Nguyễn Thị Tố Uyên (48 tuổi, quận 3) cho biết đã gửi mua ít trái cây và rau củ về nhà ăn dần.

Người dân TP HCM 'đi chợ hộ' thế nào trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Thông báo cụ thể về "đi chợ hộ giúp dân" của phường Võ Thị Sáu, quận 3.

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng - Ảnh 3.

Còn phường 16, quận Gò Vấp thì nhận đặt đơn hàng từ thứ 2 đến thứ 4.

Một phường khác ở quận 3 là phường Võ Thị Sáu cũng rất nhanh chóng ra thông báo về cách thức đi chợ giúp dân. Mỗi hộ dân chỉ đăng ký đi chợ 1 lần/ tuần, ứng thanh toán trước 200.000 đồng và sẽ trả hàng trong vòng 48 giờ kể từ lúc nhận đơn.

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng - Ảnh 3.

Mô hình đi chợ giúp dân của phường 2, quận Bình Thạnh.

Một số khu vực khác áp dụng cả hai hình thức gọi điện đặt hàng phát phiếu đi chợ hộ để người dân đăng ký. Đại diện phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) cho biết phường này đã nhận những đơn hàng đầu tiên ngày từ ngày 22/8. Phường Thảo Điền có 28.000 nhân khẩu, Hội phụ nữ phường sẽ chủ trì, cùng với nhân lực từ chính quyền phường hỗ trợ đi chợ giúp người dân, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài sống trên địa bàn.

Lực lượng tình nguyện viên sẽ nhận đơn trước 1 ngày, khung giờ 7-17h hàng ngày cho đến hết ngày 6/9. Hóa đơn mua hàng sẽ giữ và gửi cho người dân.

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng - Ảnh 4.

Phiếu đi chợ hộ của phường Thảo Điền.

Phường Thảo Điền cung cấp 13 số điện thoại đường dây nóng (với người Việt Nam) và 4 số đường dây nóng (với người nước ngoài) để người dân đăng ký mua hàng.

Ngoài ra, trong khung giờ từ 7h đến 16h30 hàng ngày, lực lượng tình nguyện viên cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân cần mua thuốc trị bệnh có thể liên hệ.

Người dân TP HCM 'đi chợ hộ' thế nào trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Các địa phương gấp rút triển khai hình thức "đi chợ hộ" đến người dân. (Ảnh: Thanh Niên).

Liên kết với chuỗi siêu thị, mua hàng theo combo đa dạng

Còn với phường 6 (quận 4), chính quyền địa phương ở đây lập phương án "đi chợ hộ dân" qua mạng. Ai có nhu cầu về hàng hóa thiết yếu nào thì đặt hàng qua đường link và sẽ có người đi chợ, cung cấp hàng hóa tới địa chỉ đã đăng ký.

Phường sẽ công bố hai số điện thoại để người dân tại phường có thể gọi điện trực tiếp để nhờ mua các nhu yếu phẩm cần thiết. Sau khi lên danh sách, phường sẽ kết nối với các siêu thị, nhà thuốc trên địa bàn để cung ứng mặt hàng cho người dân.

Không sử dụng các hình thức mang tính thủ công, quận 5 vận hành kênh phân phối hàng thiết yếu và kênh bán hàng online tại website https://shop.ttvhq5.com.vn (do Phòng Kinh tế phối hợp Trung tâm Văn hóa quận 5 triển khai) nhằm hỗ trợ các hệ thống siêu thị trong việc bảo đảm nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân không bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, đại diện UBND quận 5 cũng khẳng định người dân có thể đặt hàng online tại siêu thị hoặc đặt hàng thông qua các tổ dân phố, phường để tổ, phường gom đơn hàng chuyển cho siêu thị, cửa hàng và tiến hành nhận hàng, giao đến từng nhà. Các đơn vị phân phối đã cam kết hỗ trợ bằng cách cho mua hàng trước, trả tiền sau.

Ngoài ra, thay vì đăng ký "đi chợ hộ" qua app, nhiều địa phương như phường 24 (quận Bình Thạnh) chọn hình thức khác là phối hợp với các siêu thị đưa ra các combo lương thực, thực phẩm trong 1 tuần để người dân lựa chọn đăng ký. 

Tương tư, tại quận Tân Phú, với lợi thế có 6 siêu thị lớn trú đóng, chính quyền địa quận đã giao cho mỗi nơi phụ trách cung cấp thực phẩm cho hai phường. Mỗi siêu thị sẽ chuẩn bị combo các mặt hàng thiết yếu và hàng tiêu dùng cá nhân để người dân sử dụng trong vòng 7-14 ngày theo các mức giá 300.000 đồng, 500.000 đồng, 1 triệu đồng và 1,5 triệu đồng.

Người dân TP HCM 'đi chợ hộ' thế nào trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội? - Ảnh 5.

Người dân có thể lựa chọn combo đi chợ.

Điển hình như phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú), siêu thị AEON sẽ cung cấp 7 gói hàng hóa, trong đó mỗi gói hàng hóa cố định các món và số tiền. Người dân chỉ có thể chọn combo nào (không thể chọn từng món riêng theo nhu cầu cá nhân).

Phường sẽ cung cấp biểu mẫu từng combo, các khu phố phát giấy từng nhà để dân chọn mua hàng và thu tiền. Ban điều hành khu phố, tổ dân phố sẽ thu lại phiếu đăng ký và tiền, sau đó nộp lên UBND phường để phường tổng hợp gửi siêu thị và cung ứng hàng hóa đến nhà người dân.

Quận Gò Vấp và quận Bình Tân lại tổ chức phân phối lương thực thực phẩm đến người dân bằng cách liên kết với các chuỗi siêu thị. Người dân quận Gò Vấp được cung cấp các đường link Zalo để tham gia nhóm (tùy theo địa bàn cư trú) để có thể đăng ký mua sắm thuận tiện hơn. Hiện tại, các nhóm đã có hàng ngàn người dân tham gia. 

Trong khi đó, người dân quận Bình Tân sẽ đặt hàng theo mẫu trên Google Drive, chính quyền cũng cung cấp đầy đủ các giỏ hàng kèm số tiền.

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng - Ảnh 7.

Người dân quận Bình Tân sẽ đặt hàng theo mẫu trên Google Drive. Phía trên là thông tin giỏ hàng của Bách Hóa Xanh cho người dân lựa chọn.

TP HCM bắt đầu đi chợ hộ cho 9,4 triệu dân: Đơn hàng gửi qua Zalo, mua theo combo của siêu thị giá 100 - 500.000 đồng - Ảnh 8.

Giỏ hàng của VinMart.

Còn người dân quận Tân Bình có thể điền vào biểu mẫu nhưng mặt hàng mà mình cần mua theo combo mà địa phương cung cấp sẵn.

Người dân TP HCM 'đi chợ hộ' thế nào trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội? - Ảnh 4.

Combo lương thực thực phẩm quận Tân Bình cung cấp cho người dân.

Một số doanh nghiệp phân phối gặp bối rối trong việc cung ứng

Tuy nhiên, việc triển khai gấp gáp hình thức "đi chợ hộ" cũng khiến doanh nghiệp phân phối thực phẩm gặp không ít khó khăn và bối rối trong khâu xử lý đơn hàng.

Một số siêu thị cho rằng cần có sự thống nhất về thời gian nhận đặt hàng, thời gian giao hàng, hình thức vận chuyển, danh mục sản phẩm, phương thức thanh toán… để việc phối hợp cung ứng hàng hóa được thuận lợi.

Đại diện Satra cho hay trong ngày 23/8, 120 cửa hàng SatraFoods trên địa bàn TP.HCM vẫn mở cửa nhập hàng và hoạt động đón khách bình thường từ 7h đến 16h. Nhân viên cửa hàng vẫn đang thực hiện '3 tại chỗ' ở lại cửa hàng phục vụ, nhưng "chúng tôi vẫn chưa biết cách thực hiện cụ thể ra sao. Cách đặt hàng và phối hợp giao hàng như thế nào", phía Satra chia sẻ.

AEON Việt Nam cũng cho biết, hiện tại, hai siêu thị AEON khu vực TP HCM sẽ tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến kể từ ngày 23/8. AEON Tân Phú đang làm việc với đại diện phường Sơn Kỳ và Tân Quý để chuẩn bị hàng hóa theo đơn đặt hàng của từng tổ dân phố/phường theo tần suất và khu vực quy định.

Danh sách các combo hàng hóa dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, gồm có thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng sát khuẩn… sử dụng trong hai tuần.

Từ 23/8, dự kiến mỗi ngày, TP HCM cần 10.964 tấn hàng hóa cho 9,4 triệu dân.

Trong đó, 1.981 tấn gạo, lương thực chế biến (mì, bún, phở…) khoảng 660 tấn, thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả), rau củ quả 4.246 tấn, đường 236 tấn, sữa 1.742 tấn (1,7 triệu lít), dầu ăn 189 tấn, muối 47 tấn, nước chấm 104 tấn (79.865 lít).

Trung bình 1 tuần, TP cần 76.747 tấn, trong 15 ngày tới khoảng 164.460 tấn. Ngoài ra, nước uống khoảng 19 triệu lít/ngày, 566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng), nước sát khuẩn 0,5 lít khoảng 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).

Sơn Thạnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.