|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 miễn phí, không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền

21:36 | 23/08/2021
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vắc xin là chiến lược, cần tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin.
Thủ tướng: Tổ chức tiêm chủng miễn phí, không thu tiền - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ).

Hôm nay (23/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện số 1102 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Nhận định về tình hình dịch bệnh trong nước, công điện viết dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, nhất là tại TP HCM và một số địa phương phía Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp quan trọng.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để "chặt ngoài lỏng trong". Phải tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.

Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là điều trị giảm tử vong. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này. Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định: "Vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược, cần tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước." 

Song song với đó là khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vắc xin nhưng phải bảo đảm vắc xin thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu, kiểm định và tổ chức tiêm chủng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả. Không phân biệt các loại vắc xin, không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Bên cạnh đó, cần thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.

Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước thuốc điều trị COVID-19. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế đề xuất cấp có thẩm quyền tăng phụ cấp cho lực lượng làm công tác tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội. 

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Cùng với đó, cần phải bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. 

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...

Công điện cũng nêu rõ cần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". 

Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình như: "3 tại chỗ", "3 cùng", "1 cung đường 2 điểm đến", "doanh nghiệp xanh"… để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình. 


Phương Nga

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).