Việt Nam có cán đích sớm trong cuộc đua tự phát triển vắc xin COVID-19 nội ở châu Á?
Thế giới hiện có 112 ứng cử viên vắc xin COVID-19 đang được phát triển ở giai đoạn lâm sàng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ hơn 1/3 trong số đó là vắc xin sử dụng công nghệ tiểu đơn vị protein, loại vắc xin phổ biến thứ hai đang được phát triển là vắc xin công nghệ RNA, dựa trên các bản sao mã di truyền của vi rút, Strait Times đưa tin.
Tại châu Á - vùng dịch lớn nhất thế giới, các quốc gia đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tự sản xuất vắc xin nội. Hiện, Ấn Độ là nước duy nhất trong khu vực phê duyệt khẩn cấp hai vắc xin đang trong thử nghiệm giai đoạn 3. Nhật Bản - nước hiện ghi nhận số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng đang nghiên cứu tới 4 loại vắc xin. Còn Việt Nam đang thử nghiệm hai loại và có một ứng viên là Nanocovax đề xuất phê duyệt khẩn cấp.
Việt Nam
Đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với biến thể Delta rất dễ lây lan, Việt Nam đã kêu gọi sự đóng góp của toàn dân thông qua "Quỹ Vắc xin COVID-19" để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi được hỗ trợ được hơn 8.600 tỷ đồng.
Không chỉ các doanh nghiệp và tổ chức trong nước mà các doanh nghiệp đa quốc gia như Samsung, Toyota cũng đóng góp vào quỹ này với hy vọng việc sản xuất không bị gián đoạn.
Vào ngày 14/8, Việt Nam đã quyết định sử dụng 8,8 tỷ đồng từ nguồn "Quỹ Vắc xin COVID-19" để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac, ứng cử viên vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu.
Covivac hôm 10/8 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 trên 375 tình nguyện viên ở Thái Bình. Giai đoạn 1 được thử nghiệm từ 15/3 trên 120 người. Dự kiến, khoảng tháng 10 năm nay sẽ có kết quả sơ bộ của giai đoạn 2 để chuyển tiếp sang giai đoạn 3.
Một ứng cử viên vắc xin "Made in Vietnam" khác, tiềm năng nhất hiện nay là Nanocovax, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y Việt Nam phát triển.
Theo báo cáo, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược với tỷ lệ 6:1 (6 người tiêm vắc xin, một người tiêm giả dược).
Nhóm nghiên cứu kết luận vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin Nanocovax. Nếu đủ điều kiện phê duyệt sử dụng khẩn cấp, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước châu Á sớm có vắc xin nội nhất.
Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế mới đây cho biết vẫn đang xem xét kỹ báo cáo trước khi đưa ra thông cáo báo chí cuối cùng.
Bên cạnh hai vắc xin nói trên, nhiều công ty khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu để sản xuất vắc xin chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Thái Lan
Thái Lan hiện đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày do biến thể Delta. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Thái Lan đang phải nỗ lực đảm bảo nguồn cung vắc xin COVID-19. Hoạt động tiêm chủng của Thái Lan vẫn đang phụ thuộc vào vắc xin nước ngoài như Sinovac, Sinopharm, Pfizer và AstraZeneca.
Để giảm sự phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu, kể từ đầu năm nay, Thái Lan đã khởi động thử nghiệm lâm sàng ba loại vắc xin nội địa của mình. Cho đến nay, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả thử nghiệm của hai loại vắc xin là ChulaCov-19 (công nghệ mRNA) và NDV-HXP-S (vắc xin bất hoạt).
Nhà nghiên cứu Kiat Ruxrungtham tại Đại học Chulalongkorn cho biết ChulaCov-19 đạt tỷ lệ cao trong phòng chống lây nhiễm COVID-19 và sẽ bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vào tuần tới.
NDV-HXP-S do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ phát triển đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai. Trong khi đó, loại vắc xin thứ 3 là Covigen với công nghệ ADN hiện đang ở giai đoạn 1 thử nghiệm trên người.
Đài Loan (Trung Quốc)
Sau hơn một năm thử nghiệm, loại vắc xin COVID-19 nội địa đầu tiên của Đài Loan sẽ ra mắt công chúng vào ngày 23/8.
Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương (CECC) cho biết, khoảng 600.000 liều vắc xin MVC-COV1901 của Medigen Vaccine Biologics Corp sẽ sẵn sàng được đưa vào sử dụng.
CECC cho biết dựa trên các thử nghiệm giai đoạn hai của Medigenco thấy khả năng đạt hiệu quả khoảng 90%, vì nồng độ kháng thể ở những người được tiêm vắc xin Medigen cao hơn ba lần so với nhóm 200 người đối chứng, những người đã được chủng ngừa AstraZeneca.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan đã cấp phép sử dụng vắc xin Medigen trong trường hợp khẩn cấp vào tháng trước dựa vào kết quả khả quan về việc sinh kháng thể trung hòa. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến nhiều người ở Đài Loan lo ngại vì Medigen hiện vẫn chưa được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện đang sản xuất 4 loại vắc xin COVID-19 khác nhau, trong đó có ba loại vắc xin hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai gồm GBP-150 (tiểu đơn vị protein), GX-19N (vắc xin DNA), GLS-5310 (vắc xin DNA).
Riêng đối với vắc xin GBP-150 do SK Bioscience phát triển là loại vắc xin đầu tiên được cấp phép bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba. Công ty dự kiến sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào đầu năm sau và tung ra loại vắc xin này vào giữa năm sau.
Để thúc đẩy quá trình sản xuất vắc xin COVID-19, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp tất cả các hỗ trợ hiện có để phát triển vắc xin nội địa, thậm chí còn đầu tư hơn 2.200 tỷ won để hỗ trợ các nhà sản xuất.
Tổng thống Hàn Quốc mới đây phát biểu: "Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một bước nhảy vọt để trở thành một trong năm nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới vào năm 2025", đồng thời, ông cho biết thêm, vắc xin cũng sẽ trở thành một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc, cùng với chất bán dẫn và pin.
Các chuyên gia nhận định, Hàn Quốc, quốc gia có khả năng sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD vào năm ngoái, có đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp vắc xin toàn cầu.
Nhật Bản
Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin nội địa của riêng mình. Hiện có 4 nhà sản xuất đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người khác nhau. Song, việc phê duyệt vẫn sẽ mất nhiều tháng nữa.
Mặc dù nổi tiếng toàn cầu với tư cách là nước đi đầu trong lĩnh vực dược phẩm, Nhật Bản lại tụt hậu trong việc phát triển vắc xin.
Năm 1992, chính phủ nước này quy định những người chịu tác dụng phụ bất lợi do vắc xin đều sẽ được nhận bồi thường. Quyết định này khiến Nhật Bản phải thắt chặt quy định phê duyệt vắc xin tới mức không thể cho phép các công ty đầu tư vào việc nghiên cứu.
Theo Strait Times, các công ty dược phẩm Nhật Bản có thể sẽ phải ra nước ngoài để tìm đối tượng cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã phê duyệt hai loại vắc xin nội địa là Covaxin (công nghệ vi rút bất hoạt), vắc xin ZyCoV-D (vắc xin DNA).
Vào hồi đầu năm nay, Covaxin do Bharat Biotech International phát triển bằng cách sử dụng công nghệ vi rút bất hoạt đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ấn Độ "bật đèn xanh". Đây cũng là loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được Ấn Độ chấp thuận sử dụng khẩn cấp.
Sau vắc xin Covaxin của Bharat Biotech, ngày 20/8, vắc xin ZyCoV-D do Zydus Cadila phát triển với công nghệ DNA cũng đã được cấp phép khẩn cấp. Đây là vắc xin ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới. Không giống hầu hết những loại vắc xin COVID-19 khác, ZyCoV-D được triển khai với ba liều tiêm.
Ấn Độ đang chạy đua để phát triển thêm vắc xin COVID-19 nội địa để có thể tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân số cũng như xuất khẩu.
Singapore
Singapore hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 ARCT-021 được phát triển theo công nghệ mRNA. Vắc xin ARCT-021 do công ty Mỹ Arcturus Therapeutics bắt tay cùng Trường Y Duke-NUS (Singapore) phát triển. Hiện loại vắc xin này đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai.
Ngoài ra, hai loại vắc xin khác cũng do Arcturus phát triển là ARCT-154 và ARCT-165, hướng tới chống 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 là Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Đáng chú ý, ba ứng cử viên vắc xin của Singapore được tiêm với liều lượng thấp hơn so với các loại vắc xin mRNA hiện có, chẳng hạn như Pfizer và Moderna, nhờ vào công nghệ "tự khuếch đại".
Mỗi liều vắc xin của Arcturus chỉ chứa 5 mcg mRNA, trong khi vắc xin của Pfizer có 30 mcg và Moderna có 100 mcg.
Vắc xin ARCT-154 hiện cũng đang được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, được Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty con Tập đoàn Vingroup) mua công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics (Mỹ).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/