|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhờ vắc xin COVID-19, ba cái tên là tâm điểm chú ý dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu

10:51 | 16/08/2021
Chia sẻ
VinBioCare của Vingroup, Công ty Nanogen hay Y Dược phẩm Vimedimex là những cái tên thu hút nhiều sự chú ý thời gian gần đây, chủ yếu vì những động thái tích cực liên quan đến vắc xin COVID-19. Độ phủ thương hiệu tăng rõ ràng là thành quả trước mắt các doanh nghiệp này có được. Xa hơn nữa, nếu đạt mục tiêu, giá trị thương hiệu sẽ nâng lên tầm cao mới.

Công ty Nanogen đang nghiên cứu giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax, VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin ARCT-154 hay mới đây Vimedimex ký hợp đồng nhập khẩu 25 triệu liều vắc xin Janssen, Pfizer, Sputnik V là tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. 

Thời gian tới, từng đường đi nước bước của họ cũng vẫn được dõi theo sát sao giữa lúc vắc xin được coi là giải pháp duy nhất giúp vực dậy nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đại dịch.

Nanogen – đơn vị tư nhân duy nhất tham gia nghiên cứu vắc xin "Made in Vietnam"

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 1.

Công đoạn tinh chế trong sản xuất vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen. (Ảnh: Huy Thăng/ Thanh niên).

Cuối tháng 12 năm ngoái khi Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 đầu tiên trên người, Công ty Cổ phần Sinh học Dược Nanogen gây chú ý khi là đơn vị tư nhân duy nhất tham gia vào nghiên cứu.

Thành lập từ tháng 9/1997, trụ sở đặt tại quận 9, TP HCM, cũng giống như nhiều công ty trong nước cùng phân khúc, Nanogen cũng chỉ được biết đến là một hãng dược, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.

Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu hàng năm của Nanogen không có quá nhiều biến động trong những năm gần đây. Riêng 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó.

Tổng tài sản của Nanogen tính đến 31/12/2019 là 1.369 tỷ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm. Nanogen hoạt động dựa chủ yếu trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.

Những con số nói trên không quá nổi bật nếu so sánh với các ông lớn ngành dược. Thế nhưng mọi chuyện đang khác đi kể từ ngày 17/12/2020 khi những mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vắc xin Nanocovax được triển khai. 

Trong bối cảnh chưa thể tìm ra thuốc đặc trị để đẩy lùi COVID-19, vắc xin là giải pháp duy nhất giúp thế giới thoát đại dịch. Đó cũng là chủ đề được thảo luận khắp mọi nơi và gần như được quan tâm hàng đầu.

Vì thế rất dễ hiểu khi mà cái tên Nanogen gắn với loại vắc xin "Made in Vietnam" đầu tiên - Nanocovax đang trở nên phổ biến hơn. Độ phủ tên tuổi của công ty cũng tăng dần theo diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt khi Việt Nam đối mặt làn sóng dịch thứ 4 từ cuối tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn.

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 2.

Tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax cho tình nguyện viên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Nói thêm về ứng viên tiềm năng nhất của Việt Nam, Nanocovax được sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, tức sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) thích hợp nhất của nCoV để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp, bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ C) và có giá bán dự kiến khoảng 120.000 đồng/liều.

Đáng chú ý, ngày 22/6 khi vừa hoàn thành thử nghiệm 1.000 mũi tiêm đầu tiên của giai đoạn 3, Nanogen cho biết đã có văn bản gửi Chính phủ hôm 15/6 về việc xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin Nanocovax.

Hôm qua 16/8, trong cuộc họp lần 2 về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết tạm thời chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc xin Nanocovax trong giai đoạn hiện nay.

Dù chưa được cấp phép khẩn cấp, Nanogen đến nay đã được biết đến là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu vắc xin nội. Với thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 được đánh giá bước đầu an toàn, sinh miễn dịch tốt, có hiệu quả bảo vệ, kết quả giai đoạn 3a tiếp tục được đón chờ và đầy hứa hẹn về khả năng cao Việt Nam có vắc xin tự sản xuất.

Vingroup nhanh chân bước vào lĩnh vực hứa hẹn mang về nhiều hào quang

Sáng hôm qua 15/8, Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 giai đoạn 1 đối với 100 người tình nguyện đến từ Hà Nội.

Vắc xin được Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare của Vingroup đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ để mua công nghệ vắc xin mRNA phòng COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ARCT-154 là vắc xin thứ ba trong chuỗi các vắc xin COVID-19 được nghiên cứu, sản xuất và nhận chuyển giao từ nước ngoài ở Việt Nam.

"Chúng tôi rất kỳ vọng vắc xin ARCT-154 sẽ sớm hoàn thiện việc thử nghiệm đồng thời với vắc xin Nanocovax và Covivac để Việt Nam sớm tự chủ được vắc xin COVID-19", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 3.

Vắc xin COVID-19 ARCT-154 của VinBiocare bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 ngày 15/8. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Trong thông báo phát đi hôm 2/8, Tập đoàn Vingroup cho biết với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Việc Vingroup sắp sản xuất vắc xin COVID-19 được thông tin chính thức tại đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn hôm 24/6. 

Khi đó Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: "Bây giờ, trong lúc đất nước đang cần, chúng tôi làm dự án vắc xin hoàn toàn là phi lợi nhuận, hoàn toàn phục vụ cho đất nước, cho tổ quốc, hoàn toàn không nhắm đến câu chuyện kinh doanh ở đó. Tất cả mọi chi phí sẽ cố gắng thu về, nếu cần thiết, chúng ra sẽ tài trợ, hỗ trợ để làm dự án đó thành công".

"Thậm chí chúng ta có thể chấp nhận rủi ro ban đầu để có thể ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vắc xin cho dù chưa chắc chắn được các loại vắc xin đó có thể sẽ thành công sau giai đoạn 3. Bởi vì rất đơn giản là, nếu đợi thành công sau giai đoạn 3 sẽ không đến lượt chúng ra mua vắc xin chứ không nói đến chuyện chuyển giao công nghệ vắc xin nữa.

Ở đây chúng ta phải tham gia cùng với các đối tác để thúc đẩy việc thử nghiệm các giai đoạn. Đến khi chắc chắn công nghệ đó, sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn tốt, không gây hiệu ứng phụ làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người, chúng ta sẽ tiến hành sản xuất và cung cấp ra thị trường", Chủ tịch Vingroup khẳng định.

Về VinBioCare, Vingroup thành lập công ty này vào đầu tháng 6 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ngành nghề chính của là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Theo ông Phạm Nhật Vượng, VinBioCare tạo ra môi trường, hệ sinh thái về công nghệ sinh học chứ không phải riêng vắc xin. Vắc xin là một mảng trong đó. Bắt đầu từ những công đoạn như là xét nghiệm cho đến câu chuyện vắc xin, thực phẩm chức năng, thuốc chữa. Công ty được lập ra với sứ mệnh và định hướng như vậy, Vingroup từng bước làm việc đó một cách thận trọng chắc chắn.

Có thể nói Vingroup khá nhanh chân khi bước vào lĩnh vực sản xuất vắc xin nhiều khó khăn nhưng cũng hứa hẹn mang về nhiều hào quang phía trước. 

Nếu thành công, tạm không tính đến những lợi ích về mặt doanh thu, tên tuổi cũng như vị thế của Vingroup sẽ càng được khẳng định. Khi đó, nhắc đến Vingroup, ngoài nhắc đến Vinhomes, VinFast, người ta sẽ còn nhớ đến một tập đoàn lớn đã góp phần đa dạng hóa nguồn cung vắc xin, đóng góp lớn vào mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, vực dậy nền kinh tế chung.

Y Dược phẩm Vimedimex gây bất ngờ với tin nhập khẩu 25 triệu vắc xin COVID-19

Thêm một cái tên nữa khiến dư luận đổ dồn sự chú ý vào cuối tuần qua là Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex với cổ phiếu tăng gần 40% chỉ trong một tuần. 

Cụ thể, tuần giao dịch (9 - 13/8), cổ phiếu VMD của công ty này gây bất ngờ với 5 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Theo đó, giá cổ phiếu VMD tăng từ 24.700 đồng/cp lên 34.500 đồng/cp.

Diễn biến tích cực trên sàn chứng khoán đến ngay sau thông tin Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.

Trả lời trên truyền thông, bà Trần Mỹ Linh, Tổng giám đốc của Y Dược phẩm Vimedimex cho biết công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 10 triệu liều vắc xin Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin Sputnik V.

Các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8 nếu được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép nhập khẩu kịp thời.

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 4.

Ba loại vắc xin COVID-19 do Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu. (Ảnh: Người lao động, AFP, Getty).

Y Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 và cổ phần hóa vào năm 2006 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đến nay công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, tương đối nhỏ trong ngành y tế nước nhà.

Hai lĩnh vực chính của công ty là sản xuất và phân phối dược phẩm. Công ty đang có 4 công ty con là Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex (Hà Nội), Công ty TNHH Dược Phẩm Vimedimex (TP HCM), Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương (TP HCM) và Công ty TNHH MTV Dược liệu Vimedimex.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đang có doanh thu lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của đơn vị này là 7.642,6 tỷ đồng.

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 5.

Nói về quy mô doanh thu, giá trị bán hàng và cung cấp dịch vụ của Y Dược phẩm Vimedimex liên tục tăng trưởng kể từ khi niêm yết. Sau 10 năm niêm yết, quy mô doanh thu của công ty gấp hơn 3 lần, hiện lớn nhất trong các công ty dược phẩm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của công ty là 18.168 tỷ đồng, tương đương mức 18.260 tỷ đồng của năm 2019.

Tương quan so sánh, doanh thu của Y Dược phẩm Vimedimex nhiều hơn tổng doanh thu loạt công ty dược phẩm lớn cộng lại như Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Pymepharco (Mã: PME), Traphaco (Mã: TRA), Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1, Dược Hà Tây (Mã: DHT),...

Mặc dù vậy, với mô hình của công ty phân phối dược phẩm, biên lợi nhuận ròng của công ty rất thấp. Lợi nhuận sau thuế hàng năm của Y Dược phẩm Vimedimex chỉ quanh 30 tỷ đồng. Năm 2020, công ty báo lãi 37,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, lãi sau thuế của công ty đạt 19,2 tỷ đồng.

Khi vắc xin giúp vực dậy kinh tế, dù là nhập khẩu hay mới khởi động nghiên cứu, cũng giúp các tên tuổi này thăng hạng - Ảnh 6.

Anh Đào