Vắc xin COVID-19 Vingroup vừa nhận chuyển giao được thiết kế để nhắm vào các biến chủng nguy hiểm như Delta
Ngày 2/8, Tập đoàn Vingroup thông báo đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và CTCP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin phòng COVID-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus).
Theo Bloomberg, vắc xin phòng COVID-19 ARCT-154 có khả năng ngăn chặn tốt sự lây lan vi rút SARS-CoV-2, nhắm vào các biến biến chủng mới nguy hiểm, đặc biệt là biến chủng Delta (Ấn Độ).
Nghiên cứa lâm sàng của vắc xin này giai đoạn 1/2/3 là các thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược. Nghiên cứu nhằm đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả của vắc xin mRNA tự khuếch đại SARS-CoV-2 ở người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Hiện, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của VBC-COV19-154 tại Singapore và Mỹ cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 90%, đạt yêu cầu về độ an toàn và khả năng dung nạp.
Các cuộc thử nghiệm được thực hiện với 21.000 người tham gia trong 3 giai đoạn, riêng giai đoạn 3 là 20.000 người. Những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm hai liều vắc xin cách nhau 28 ngày và được theo dõi trong vòng 1 năm. Quá trình thử nghiệm này sẽ được Vingroup tài trợ hoàn toàn.
Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công trong các đánh giá tạm thời, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng tại Việt Nam vào tháng 12 năm nay. Dự kiến, lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Các dự liệu tiền lâm sàng cho thấy vắc xin này có thể tại ra kháng thể trung hòa chống COVID-19, bao gồm cả chủng Delta. Công ty này cũng cho biết, ARCT-154 chính là thế hệ tiếp theo, được phát triển song song với ARCT-021, loại vắc xin hàng dầu mà Arcturus đang phát triển.
Theo thông báo của Vingroup, VBC-COV19-154 được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn.
Công nghệ vắc xin mRNA thích hợp để đáp ứng nhanh với các biến thể nCoV nhờ đặc tính hóa học, vật lý của mRNA vẫn giữ nguyên, ngay cả với những thay đổi trình tự nhỏ cần thiết để phù hợp với các đột biến của virus.
Nhờ vậy, việc phát triển vắc xin mRNA cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…
Đặc biệt, VBC-COV19-154 có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 – 8oC, mang đến ưu thế vượt trội về khả năng phổ cập và tối ưu chi phí.