Nhiều nước chạy đua tiêm mũi thứ 3 tăng cường, liệu vắc xin về Việt Nam có bị chậm?
Nhiều nước rục rịch tiêm mũi tăng cường
Nhiều quốc gia sắp cán đích mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số đang gặp khó khăn khi biến chủng Delta xuất hiện, khiến số ca nhiễm đã giảm giờ có dấu hiệu tăng trở lại. Một trong những giải pháp được các nước tính đến là tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Hôm 12/8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm liều vắc xin bổ sung của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư, ghép tạng.
Mỹ dự kiến phân phối 100 triệu liều vắc xin bổ sung tại khoảng 80.000 điểm tiêm trên cả nước. Ngoài ra, những người tiêm vắc xin một liều Johnson & Johnson cũng có thể cần tiêm bổ sung. Các mũi tiêm nhắc lại sẽ được tiến hành rộng rãi tại các điểm tiêm chủng bắt đầu từ ngày 20/9, Reuters đưa tin.
Các nhân viên y tế, người sống tại các viện dưỡng lão, người già và nhóm đã tiêm ngừa từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ được ưu tiên tiêm liều thứ ba tại Mỹ.
Không chỉ riêng Mỹ, các quốc gia như Pháp, Đức và Anh cũng đã thông báo kế hoạch tiêm liều bổ sung cho người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi từ tháng 9.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt liều vắc xin thứ ba. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1/7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi.
Tại Israel, một trong những nước có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất, cũng đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho những người từ 60 tuổi trở lên, những người suy giảm hệ miễn dịch ngay trong tháng 7.
Trước đó ngay từ đầu tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia hoãn tiêm liều thứ ba ít nhất tới cuối tháng 9 để có thể đảm bảo mọi quốc gia được tiêm tối thiểu cho 10% dân số. Tuy nhiên lời kêu gọi này có vẻ như chưa được lắng nghe.
WHO khẳng định không cần thiết tiêm mũi tăng cường
Theo thống kê của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), một số quốc gia giàu có đã tiêm chủng đủ hai liều vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 2/3 dân số, trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp, số người dân được tiêm mũi đầu tiên chỉ ở mức 1,1%.
Ở các nước thu nhập thấp, lượng vắc xin quá ít thậm chí không đủ để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu, chưa nói đến nhóm dân số dễ tổn thương khác.
COVAX hiện đang nỗ lực giải quyết sự chênh lệch trong phân phối vắc xin toàn cầu. Đồng thời đang trên đà hướng tới việc cung cấp khoảng 2 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn vào tháng 2/2022, đủ để bảo vệ ít nhất 30% dân số của các nước này.
Tuy nhiên, việc một số quốc gia có thu nhập cao bắt đầu sử dụng mũi tiêm bổ sung có thể khiến nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu làm theo. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung vắc xin toàn cầu.
Cho dù liều bổ sung là những vắc xin hiện có hay là các phiên bản mới nhắm đến các biến thể, hệ quả vẫn là như nhau. Tức là đều sẽ dẫn tới việc giảm bớt số liều vắc xin COVID-19 cần được phân phối đến phần còn lại của thế giới.
Hơn nữa, hầu như tất cả các trường hợp phải nhập viện hay tử vong do COVID-19 đều là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy, việc tiêm mũi thứ ba cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không giúp cho các trường hợp nhập viện và tử vong suy giảm.
Theo WHO, những dữ liệu hiện nay cho thấy việc tiêm liều vắc xin tăng cường là điều chưa cần thiết. Nếu tất cả các nước giàu quyết định tiêm bổ sung cho người trên 50 tuổi, họ sẽ cần thêm gần 1 tỷ liều nữa.
"Có đủ vắc xin trên khắp thế giới, nhưng nó không được tiêm đến đúng nơi và đúng thứ tự", Reuters dẫn lời Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward, đề cập đến mũi tiêm nhắc lại đang được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao.
Liệu nguồn cung vắc xin về Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Riêng tại Việt Nam, tính đến ngày 19/8, đã có hơn 22 triệu liều vắc xin COVID-19 đươc tiếp nhận, trong đó có hơn 14 triệu liều vắc xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 1,2 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 2,5 triệu liều Sinopharm.
Chính phủ nhiều lần khẳng định vắc xin sẽ về nhiều, dồn dập từ nay đến cuối năm. Tại cuộc họp hôm 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong tháng 9, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc xin được nhập về. Sau tháng 10, vắc xin từ các hợp đồng mua của nước ngoài sẽ về rất nhiều, dự kiến trong quý IV sẽ có khoảng 60 triệu liều.
Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc điện đàm với đại diện của AstraZeneca và Pfizer. Tổng giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vắc xin theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vắc xin cho Việt Nam trong tháng 8 từ nguồn của tập đoàn và các nguồn khác.
Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer, ông Albert Bourla cũng cam kết tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam trong tháng 8, tháng 9 và quý IV năm nay.
Bên cạnh việc nhập khẩu, Chính phủ ngay từ đầu cũng đã lên kế hoạch chủ động nguồn cung vắc xin. Trong cuộc họp hôm 12/8, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu sớm có vắc xin tự sản xuất trong nước, nếu mọi việc suôn sẻ thì ngay trong tháng 9 sẽ có.
Về tiến độ sản xuất vắc xin trong nước, ứng viên tiềm năng nhất là Nanocovax do Công ty CP Sinh học Dược Nanogen nghiên cứu đã hoàn thành giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên. Nhóm nghiên cứu kết luận vắc xin đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên. Hiện Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục thẩm định kết quả này trước khi đưa ra thông cáo báo chí cuối cùng.
Còn ứng viên vắc xin thứ hai là Covivac hôm 10/8 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 trên 375 tình nguyện viên ở Thái Bình. Giai đoạn 1 được thử nghiệm từ 15/3 trên 120 người. Dự kiến, khoảng tháng 10 năm nay sẽ có kết quả sơ bộ của giai đoạn 2 để chuyển tiếp sang giai đoạn 3.
Ứng viên thứ ba là vắc xin có têm VBC-COV19-154 do Vingroup nhận chuyển giao từ công nghệ Mỹ. Chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin này giai đoạn 1 trên 100 người tình nguyện đã bắt đầu hôm 15/8.
Theo cập nhật mới nhất, Việt Nam đã tiêm hơn 17 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 15,2 triệu liều, mũi 2 là hơn 1,7 triệu liều.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/