Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sắp tiêm vắc xin đủ cho 50% dân số, tiến tới miễn dịch cộng đồng
Singapore hiện đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ cho phần lớn dân số, tiến gần hơn, ít nhất là về mặt lý thuyết, để có thể thoát khỏi đại dịch.
Chính phủ nước này từng không ngừng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi rút COVID-19 bằng những biện pháp truy viết, phong tỏa gắt gao. Thế nhưng, giờ đây, các nhà chức trách của Singapore lại đang lên kế hoạch và vạch ra lộ trình "sống chung với COVID-19".
Với cách tiếp cận này, Singapore sẽ trở thành "phòng thí nghiệm" cho phần còn lại của châu Á, theo Nikkei Asia.
Trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á đạt miễn dịch cộng đồng
Bắt đầu từ hôm qua ngày 12/7, với số ca lây nhiễm cộng đồng liên tục giữ ở mức một con số, Singapore đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên sau hai tháng, các nhà hàng được phục vụ nhóm 5 khách thay vì chỉ hai người như trước đây.
Dù các biện pháp hạn chế khác vẫn được duy trì, như đeo khẩu trang hay khai báo y tế qua ứng dụng truy vết COVID-19, Chính phủ nước này cũng đang cân nhắc tới việc triển khai các biện pháp tiếp theo nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.
Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 10/7, khoảng 69% trong số 5,7 triệu cư dân Singapore đã nhận được ít nhất một mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19, cao hơn gấp đôi so với con số hai tháng trước đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số đã được tiêm đủ hai mũi đạt 40%.
“Chúng tôi hy vọng 50% dân số sẽ được tiêm hai liều vắc xin trước ngày 26/7". Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết với các phóng viên vào ngày 7/7 tuần trước. Đồng thời, ông cũng khẳng định nguồn vắc xin của Singapore hiện đã có đủ và không còn bị hạn chế như trước đây.
"Quốc đảo sư tử" đang nhanh chóng bắt kịp tốc độ với các nước phương Tây đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, bao gồm Mỹ đạt 47% và Đức là 42%. Tại Singapore, cứ 100 người thì có tới 69 người đã được tiêm ít nhất một liều, trong đó có 40 người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á khác vẫn còn trước mắt một chặng đường dài để có thể đạt được ngưỡng tương tự. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng đủ hai mũi vắc xin tính đến hết tuần trước tại Nhật Bản đạt 17%, Hàn Quốc 11% và Indonesia 5%.
Trong khu vực châu Á, Israel là quốc gia đầu tiên vượt qua mốc 60%. Tuy nhiên, gần đầy, Israel lại đang phải chứng kiến việc gia tăng số ca nhiễm, từ mức một con số lên trên 500 ca/ngày, phần lớn là ở những người trẻ chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Y tế Israel cho thấy, các trường hợp nặng, nghiêm trọng đều có xu hướng tăng không đáng kể, chỉ 47 ca vào ngày 11/7.
Lên kế hoạch cho việc "sống chung với COVID-19"
"Những dữ liệu và tín hiệu tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất cao cho thấy rằng COVID-19 sẽ giống cúm mùa về tỷ lệ số ca mắc và tử vong, miễn là quốc gia ấy có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao", lực lượng liên bộ phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ Singapore, Bộ trưởng Tài chính, ông Lawrence Wong cho biết.
"Đây cũng là lý do chúng ta có thể hướng tới viễn cảnh COVID-19 sẽ được điều trị giống như bệnh cúm mùa thông thường và người dân có thể tiếp tục cuộc sống của mình một cách bình thường" ông Wong cho biết thêm.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, Singapore sẽ không vội vã mở toang cửa như Anh và Mỹ, nhưng cũng không quá khép kín như Trung Quốc và Úc.
Về thông tin chi tiết về kế hoạch "sống chung với COVID-19" vẫn chưa được nước này công bố, tuy nhiên trong bài đăng trên Straits Times vào cuối tháng trước của lực lượng liên bộ phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ Singapore đã đưa ra một số gợi ý về vấn đề này.
Theo đó, "sống chung với COVID-19" có nghĩa là một người nhiễm bệnh có thể tự phục hồi tại nhà và mọi người có thể xét nghiệm COVID-19 bằng cách sử dụng bộ xét nghiệm nhanh và đơn giản. Đồng thời, các quy tắc về an toàn, các biện pháp hạn chế sẽ dần được nới lỏng và người dân có thể đi tới các quốc gia khác có nguy cơ rủi ro thấp bằng các chứng chỉ vắc xin được hai bên công nhận.
Singapore hiện đã và đang từng bước thực hiện kế hoạch "sống chung với COVID-19", ví dụ như người dân nước này hiện đã có thể tự mua bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại các hiệu thuốc.
Temasek Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings, cũng đã bắt đầu phân phát máy đo nồng độ oxy kẹp ngón tay miễn phí cho các hộ gia đình. Các thiết bị này cũng có sẵn tại các siêu thị và hiệu thuốc, giúp người dân kiểm tra nồng độ oxy trong máu. Theo đó, sự suy giảm nồng độ oxy trong máu cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết đã nhiễm COVID-19 hay chưa.
Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng đã bắt đầu không tiết lộ chi tiết về các trường hợp nhiễm COVID-19 gồm độ tuổi, lịch trình dịch tễ... như trước đây.
Bước tiến thực sự tới việc "sống chung với COVID-19" sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế sau mức giảm kỷ lục 5,4% của năm 2020. Đồng thời, việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ mang lại cơ hội tốt cho ngành dịch vụ thực phẩm, tổ chức sự kiện vốn chịu thiệt hại lớn vì bị hạn chế số lượng khách hàng.
Vẫn còn đó những lo ngại...
Thế nhưng, trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, việc nối lại các hoạt động du lịch có thể mất nhiều thời gian hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ngành vận tải và du lịch của Singapore sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, buộc Chính phủ phải xem xét lại mô hình tăng trưởng của mình.
Song, vẫn còn đó những lo ngại về các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm suy giảm hiệu quả của vắc xin. Dữ liệu tiêm chủng từ Israel cho thấy hiệu quả của vắc xin giảm nhiều tháng sau khi tiêm và tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta khiến Pfizer đang xin cấp phép tiêm mũi thứ ba.
Một nỗi lo khác ở Singapore là tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi tương đối thấp, mặc dù bộ phận này nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin. Bộ trưởng Y tế, ông Ong cho biết, tính đến tuần trước, tỷ lệ những người đã được tiêm ít nhất một mũi hoặc đặt lịch tiêm mũi đầu tiên là 71% trong nhóm người trên 70 tuổi, thấp nhất trong tất cả các nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm.
"Điều chúng tôi thực sự cần làm đó là đẩy nhanh số lượng người cao tuổi được tiêm chủng. Khi các hoạt động xã hội được nới lỏng, các thành viên khác trong gia đình sẽ đi ra ngoài và họ có thể mang vi rút về nhà. Vì vậy, không phải người cao tuổi ở nhà thì sẽ an toàn", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Chính phủ Singapore đang đặt mục tiêu 2/3 dân số tiêm đủ hai liều vắc xin vào đầu tháng tới, trước ngày quốc khánh 9/8 của Singapore.
Để đạt được mục tiêu này, bắt đầu từ ngày 26/6, Singapore đã đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của mình và có thể tiêm tới 80.000 liều hàng ngày. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 47.000 vào hồi tháng 6, theo Strait Times.
Tuy nhiên, việc việc đạt được mục tiêu chủng vắc xin "đầy tham vọng" này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nguồn cung cấp vắc xin, tỷ lệ người tham gia tiêm chủng và khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai.
Vào buổi Lễ Quốc khánh 9/8 tới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự kiến sẽ phát biểu về tình hình COVID-19 của Singapore và tương lai "sống chung với COVID-19".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/