Công suất dự án đầu tư là gì? Phân loại công suất
Công suất dự án đầu tư
Khái niệm
Công suất dự án đầu tư hay còn được gọi là Năng lực phục vụ của dự án đầu tư tạm dịch sang tiếng Anh là Project productivity.
Công suất dự án đầu tư là số lượng đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong một đơn vị thời gian với những điều kiện cho phép.
Ví dụ: đối với dự án sản xuất, đơn vị đo công suất sẽ là lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian (tháng, quí, năm...);
Đối với các thực hiện các hoạt động dịch vụ như dự án xây dựng một trường học, năng lực phục vụ của dự án có thể là số phòng học hoặc số học sinh; với dự án xây dựng một bệnh viện, năng lực phục vụ của dự án được đo bằng số giường bệnh...
Ưu nhược điểm của dự án công suất lớn và nhỏ
- Qua phân tích thực tế cho thấy những dự án có công suất lớn có những ưu điểm như: dễ áp dụng công nghệ hiện đại, chi phí tính cho một sản phẩm có thể hạ;
Nhưng mặt khác công suất lớn có những nhược điểm như: đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn lâu, thiệt hại lớn khi nhu cầu thị trường đột nhiên giảm xuống...
- Những dự án có công suất nhỏ có ưu điểm là đòi hỏi vốn ít, xây dựng nhanh, thu hồi vốn nhanh, dễ thay đổi thích ứng với thị trường.
Nhưng công suất nhỏ có những nhược điểm như khó áp dụng công nghệ hiện đại, chi phí cho một sản phẩm có thể lớn...
Phân loại công suất dự án
- Công suất khả thi của dự án
Công suất khả thi của dự án là công suất mà dự án có thể thực hiện được và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Căn cứ để lựa chọn công suất khả thi của dự án:
Khi lựa chọn công suất khả thi cho dự án, phải dựa trên các căn cứ và chỉ tiêu sau:
+ Căn cứ vào nhu cầu của thị trường hiện tại và tương lai đối với các loại sản phẩm của dự án
+ Khả năng chiếm lĩnh thị trường của chủ đầu tư
+ Các thông số kĩ thuật và kinh tế của các máy móc hiện có, thông thường trên thị trường chỉ có bán các máy móc và dây chuyền công nghệ với những công suất xác định (trừ trường hợp đặt hàng cụ thể thì chủ đầu tư có thể mua máy móc đúng với công suất theo ý muốn)
+ Khả năng cung cấp các yếu tố đầu vào và nhất là đối với các loại nguyên vật liệu phải nhập khẩu
+ Năng lực về tổ chức, điều hành sản xuất, khả năng về vốn đầu tư của chủ đầu tư
+ Các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của từng phương án công suất
+ Công suất khả thi của dự án là cơ sở để lựa chọn máy móc thiết bị có công suất tương ứng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của dự án, có thể có những trục trặc bất thường (ví dụ, như trục trặc về kĩ thuật, trục trặc trong cung cấp các yếu tố đầu vào...), nếu chọn thiết bị có công suất bằng với công suất khả thi thì không đáp ứng được yêu cầu của dự án.
Do đó, người soạn thảo phải chọn thiết bị có công suất cao hơn công suất khả thi của dự án và thông thường cao hơn khoảng 10%.
Sau khi đã mua được máy móc thiết bị này để xác định công suất thiết kế cho dự án.
- Công suất thiết kế của dự án
Công suất thiết kế của dự án được tính dựa vào công suất thiết kế của máy móc, thiết bị chủ yếu trong 1 giờ và số giờ làm việc trong 1 năm.
- Công suất thực tế của dự án
Công suất thực tế của dự án là công suất mà dự án dự kiến đạt được trong từng năm khi đi vào vận hành khai thác.
- Công suất tối thiểu
Công suất tối thiểu là công suất ứng với điểm hòa vốn. Ta không thể chọn công suất thực tế của dự án nhỏ hơn công suất hòa vốn, vì làm như vậy dự án sẽ bị lỗ.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về dự án đầu tư và công tác lập dự án đầu tư, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)