Cơ chế cầu dao (Circuit breaker) trong chứng khoán là gì? Cách thức hoạt động như thế nào?
Cơ chế cầu dao (Circuit breaker)
Khái niệm
Cơ chế cầu dao trong tiếng Anh là Circuit breaker.
Cơ chế cầu dao là biện pháp điều tiết để tạm ngừng giao dịch trên một sàn giao dịch chứng khoán, được áp dụng để hạn chế việc bán tháo ồ ạt. Chúng áp dụng cả cho các chỉ số thị trường rộng lớn như S&P 500 cũng như cho các chứng khoán riêng lẻ, cơ chế này tồn tại ở Mỹ cũng như ở các quốc gia khác.
Cơ chế cầu dao có chức năng tự động dừng giao dịch khi giá chạm các mức được xác định trước, chẳng hạn như dịch chuyển 7%, 13% và 20% trong S&P 500. Cơ chế cầu dao là một hình thức để kiềm chế thị trường.
Như những ví dụ gần đây nhất là vào ngày 9/3/2020 và một lần nữa vào ngày 16/3 (tức 1 tuần sau đó), các cơ chế cầu dao đã được kích hoạt tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) khi DJIA giảm hơn 7% khi mở cửa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gia tăng.
Cơ chế cầu dao hoạt động như thế nào?
Các nhà điều hành đã sử dụng cơ chế cầu dao đầu tiên sau sự cố thị trường vào ngày 19/10/1987, khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm 508 điểm (tức 22,6%) trong một ngày. Sự cố bắt đầu ở Hồng Kông và sớm ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn thế giới, nó còn được gọi với cái tên là Ngày thứ Hai đen tối.
Một sự cố thứ hai, có tên gọi là Flash Crash xảy ra vào ngày 6/5/2010, trong đó DJIA giảm gần 1.000 điểm (hơn 9%) chỉ trong 10 phút. Giá cả hầu hết đã phục hồi khi đóng cửa thị trường. Tuy nhiên sau thất bại của cơ chế cầu dao năm 1987 và để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai, các cơ quan quản lí đã cập nhật hệ thống cơ chế cầu dao.
Ngày nay, hệ thống cơ chế cầu dao áp dụng cho cả chỉ số chứng khoán và thị trường riêng lẻ. Ví dụ, kể từ tháng 2/2013, chúng ta đã có các cơ chế cầu dao trên toàn thị trường, đáp ứng với sự sụt giảm trong một ngày của chỉ số S&P 500. Nếu chỉ số giảm 7% so với mức đóng cửa trước đó, thì đây được gọi là mức giảm cấp 1. Mức giảm cấp 2 tương ứng với 13%, mức giảm cấp 3 tương ứng với 20%.
Một số nhà phân tích tin rằng các cơ chế cầu dao gây gián đoạn và giữ cho thị trường biến động một cách giả tạo bằng cách khiến các lệnh đặt xác định ở mức giới hạn và giảm tính thanh khoản. Các nhà phê bình cho rằng nếu thị trường được phép di chuyển tự do mà không dừng lại thì chúng sẽ ổn định ở trạng thái cân bằng phù hợp hơn.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)