Chính sách cổ tức (Dividend Policy) là gì? Mục tiêu và ý nghĩa
Hình minh họa. Nguồn: authorstream
Chính sách cổ tức (Dividend Policy)
Định nghĩa
Chính sách cổ tức trong tiếng Anh là Dividend Policy. Chính sách cổ tức thể hiện quyết định giữa việc trả lợi nhuận cho cổ đông so với việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư.
Ý nghĩa của chính sách cổ tức
- Chính sách cổ tức ảnh hưởng quan trọng đến tỉ lệ tăng trưởng thu nhập của cổ tức trong tương lai của cổ đông.
Nếu như công ty tái đầu tư lợi nhuận nhiều, trong khi vẫn duy trì được mức sinh lời trên một đồng vốn sẽ gia tăng thu nhập và cổ tức cho cổ đông hiện hành và ngược lại.
- Chính sách cổ tức tác động trực tiếp đến giá trị tài sản thực tế của cổ đông.
Một mặt cổ tức là thu nhập ở hiện tại và chắc chắn, mặt khác chính sách cổ tức có thể giảm thiểu các khoản chi phí khi thu nhập về đến tay cổ đông, vì thu nhập thực tế có thể bị sụt giảm do các yếu tố như thuế thu nhập, chi phí giao dịch.
- Thông qua việc trả cổ tức còn thể hiện dấu hiệu thông tin về hiệu quả hoạt động của công ty ra ngoài thị trường, đến các nhà đầu tư khác.
Khi đó, nó sẽ tác động đến mối quan hệ giữa cung và cầu về cổ phiếu của công ty. Vì thế tình hình tăng giảm cổ tức của mỗi công ty đều có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của công ty trên thị trường.
Với những lí do trên đòi hỏi nhà quản trị công ty phải cân nhắc xem xét trong việc hoạch định chính sách cổ tức một cách hợp lí, phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của công ty.
Mục tiêu
Đối với chính sách cổ tức, việc quyết định chia lợi nhuận dưới dạng cổ tức hay giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư không làm thay đổi số lợi nhuận công ty làm ra, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến giá trị vốn cổ phần thông qua tác động tới thu nhập thực tế hiện tại và tỉ lệ tăng trưởng trong tương lai.
- Nếu chia cổ tức với tỉ lệ cao so với thu nhập trên một cổ phần (EPS) mà công ty làm ra
Khi đó đứng ở góc độ nhà đầu tư, mức độ rủi ro sẽ thấp vì cổ đông được nhận cổ tức và sẽ hiện thực hóa tài sản từ cổ tức được chia, điều này làm giảm tỉ suất sinh lời đòi hỏi của các nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu tăng lên.
Nhưng ngược lại, vì dành lợi nhuận cho việc phân chia cổ tức cho cổ đông hiện hành nên công ty buộc phải từ bỏ các cơ hội đầu tư tiềm năng, khiến cho tỉ lệ tăng trưởng cổ tức trong tương lai giảm và sẽ làm giảm giá cổ phiếu.
- Nếu chia cổ tức với tỉ lệ thấp so với thu nhập trên một cổ phần (EPS)
Đứng trên góc độ nhà đầu tư, mức độ rủi ro sẽ cao và theo đó, tỉ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư sẽ cao hơn làm giảm giá cổ phiếu, nhưng đổi lại do tái đầu tư lợi nhuận nên tỉ lệ tăng trưởng cổ tức của cổ đông trong tương lai lại cao làm cho dòng tiền của cổ đông tăng lên làm tăng giá cổ phiếu.
Kết luận
Từ những lập luận trên, có thể kết luận rằng mục tiêu của chính sách cổ tức là tối đa hóa giá trị thị trường của công ty, hay nói cách khác là tối đa hóa giá cổ phiếu trên thị trường.
Hay có thể hiểu mục tiêu của chính sách cổ tức là tối đa hóa lợi ích cho cổ đông hiện hành, tức là lựa chọn phương án phân chia cổ tức đảm bảo tối đa hóa được tỉ lệ tăng trưởng cổ tức trong tương lai, nhưng tối thiểu hóa được rủi ro cho cổ đông.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)