|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược đa dạng hóa (Diversification strategy) là gì? Nội dung chiến lược

09:30 | 30/08/2019
Chia sẻ
Chiến lược đa dạng hóa (tiếng Anh: Diversification strategy) là một trong những chiến lược của cấp doanh nghiệp mang tính định hướng và là căn cứ để xây dựng chiến lược ở cấp thấp hơn.
diversify

Hình minh hoạ (Nguồn: businesscompanion)

Chiến lược đa dạng hóa

Khái niệm

Chiến lược đa dạng hoá tiếng Anh được gọi là diversification strategy.

Chiến lược đa dạng hóa là nhằm tạo ra sự đa dạng trong các lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp tham gia. 

Vai trò của chiến lược

Đa dạng hóa mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích không chỉ phân tán rủi ro mà còn những lợi ích tài chính và phi tài chính khác. 

- Thứ nhất, đa dạng hóa không chỉ đóng vai trò phân tán rủi ro cho các ngành kinh doanh khác nhau, vì nếu chỉ nhằm phân tán rủi ro các chủ sở hữu có thể tiến hành một cách đơn giản là mua cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau hoặc rót tiền vào các quĩ đầu tư. 

- Thứ hai, việc đa dạng hóa sẽ có ý nghĩa nếu nó gia tăng lợi ích cho các chủ sở hữu nhiều hơn lợi ích mà họ thu được nếu đầu tư độc lập. Do đó một ngành/lĩnh vực được lựa chọn để đa dạng hóa phải đủ sức hấp dẫn để mang lại tỉ suất lợi nhuận cao và hỗ trợ cho các lĩnh vực kinh doanh nhiều hơn là khi chúng kinh doanh độc lập.

Phân loại chiến lược

Theo quan điểm của Hitt – Ireland – Hoskission (Strategic management – Competitiveness and Globalization, Hitt – Ireland – Hoskission, 7th edition, South-Western, 2007), đa dạng hóa có thể chia ra làm hai dạng cơ bản là đa dạng hóa liên quan (ràng buộc hoặc theo chuỗi) hoặc đa dạng hóa không liên quan.

- Chiến lược đa dạng hoá liên quan 

Doanh nghiệp sử dụng chiến lược đa dạng hóa liên quan mong muốn tạo ra và tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ qui mô giữa các lĩnh vực kinh doanh. 

Lợi thế này có được do sự tiết kiệm chi phí sản xuất được tạo ra do sự chia sẻ nguồn lực hoặc chuyển giao năng lực cạnh tranh cốt lõi cấp doanh nghiệp đã được hình thành và phát triển trong một lĩnh vực kinh doanh nào đó cho các lĩnh vực kinh doanh khác. 

Việc tạo và chuyển giao giá trị này có thể được thực hiện thông qua hai cách thức: chia sẻ các hoạt động để tạo ra sự liên hệ trong quá trình tổ chức sản xuất và chuyển giao năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. 

Trong đó, để tạo ra lợi thế kinh tế nhờ qui mô người ta bắt buộc phải chia sẻ các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc thiết bị và các tài sản hữu hình khác giữa các lĩnh vực kinh doanh; các tài sản vô hình như bí quyết công nghệ... có thể được chia sẻ nhưng thường ít hơn. 

Tuy nhiên, nếu chỉ chuyển giao bí quyết công nghệ mà không bao gồm các tài sản hữu hình khác thì đó là chuyển năng lực cạnh tranh cốt lõi ở cấp doanh nghiệp chứ không phải sự chia sẻ hoạt động. 

Các doanh nghiệp muốn tạo ra giá trị thông qua việc chia sẻ các hoạt động cơ bản thường lựa chọn chiến lược đa dạng hóa liên quan ràng buộc. Sự liên hệ trong quá trình tổ chức sản xuất được tạo ra nhờ sự chia sẻ các hoạt động cơ bản như hệ thống phân phối, giao hàng và các hoạt động hỗ trợ khác. 

Doanh nghiệp mong muốn tạo ra giá trị thông qua việc chuyển giao năng lực cạnh tranh cốt lõi để tạo ra sự liên hệ ở cấp doanh nghiệp thường theo đuổi chiến lược đa dạng hóa liên quan theo chuỗi.

- Chiến lược đa dạng hóa không liên quan

Chiến lược này thường hướng việc đầu tư tài chính vào những ngành có triển vọng lợi nhuận tốt trong danh mục đầu tư thay vì theo đuổi việc đầu tư mở rộng hoạt động trong cùng chuỗi giá trị, hoặc phù hợp với chuỗi giá trị hiện tại của doanh nghiệp. 

Những doanh nghiệp đa dạng hóa không liên quan thường tìm kiếm những doanh nghiệp có nhu cầu mua bán, sáp nhập và có triển vọng lợi nhuận cao trong các ngành công nghiệp khác nhau. 

Những doanh nghiệp được chọn làm mục tiêu thường là những doanh nghiệp đang được định giá thấp dưới giá trị tài sản thực, những doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh túng quẫn hoặc những doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận cao nhưng thiếu vốn đầu tư.

Với chiến lược này, một trở ngại lớn mà hiển nhiên các doanh nghiệp đa dạng hóa phải vượt qua đó là họ phải có một đội ngũ quản lí cấp cao có khả năng hoạch định, tổ chức, khuyến khích, ủy quyền và kiểm soát hữu hiệu. 

Điều này là hoàn toàn cần thiết vì việc quản lí hoạt động kinh doanh đa ngành phức tạp hơn rất nhiều lần hoạt động kinh doanh trong một ngành đơn nhất. 

Các hình thức cụ thể của hoạt động mua bán doanh nghiệp nhằm thực hiện chiến lược đa dạng là: liên kết bao gồm mua bán – sáp nhập, giành quyền kiểm soát, liên doanh và liên minh chiến lược.

Nhìn chung, chiến lược đa dạng hóa (liên quan hay không liên quan) cũng cần phải dựa trên những nền tảng cơ bản chung là những nguồn lực dư thừa và có khả năng tận dụng vào kinh doanh; khả năng quản lí ở các lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp đa dạng hóa.

(Tài liệu tham khảo: Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi