|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear and Greed Index) là gì? Nội dung liên quan

23:56 | 05/01/2020
Chia sẻ
Chỉ số sợ hãi và tham lam (tiếng Anh: Fear and Greed Index; viết tắt: FGI) được phát triển bởi trang CNNMoney để đo lường và ghi nhận trạng thái tâm lí sợ hãi và tham lam của nhà đầu tư, cập nhật hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.
Chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear and Greed Index) là gì? Nội dung liên quan - Ảnh 1.

Hình minh họa

Chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear and Greed Index)

Khái niệm

Chỉ số sợ hãi và tham lam trong tiếng Anh là Fear and Greed Index; viết tắt là FGI.

Chỉ số sợ hãi và tham lam được phát triển bởi trang CNNMoney để đo lường và ghi nhận trạng thái tâm lí sợ hãi và tham lam của nhà đầu tư, cập nhật hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.

Về lí thuyết, chỉ số này có thể đo lường cả thị trường chứng khoán xem có được định giá tốt hay không. Chỉ số này dựa trên phân tích rằng nỗi sợ được thể hiện thái quá sẽ dẫn đến việc suy giảm giá cổ phiếu, còn sự tham lam quá mức sẽ dẫn đến hiệu ứng ngược.

Nội dung về chỉ số sợ hãi và tham lam

Chỉ số sợ hãi và tham lam dựa trên giả định rằng nỗi sợ thái quá là kết quả của việc giao dịch cổ phiếu dưới mức giá trị tài sản cơ sở, và sự tham lam quá mức là kết quả của việc mua chứng khoán với giá cao hơn giá trị thực của nó.

CNN thử nghiệm 7 yếu tố khác nhau để đánh giá được sự sợ hãi và tham lam ở mức độ là bao nhiêu trên thị trường. Các yếu tố này bao gồm:

1. Quán tính giá cổ phiếu: Đo lường chỉ số Standard & Poor's 500 (S&P 500) với 125 ngày trung bình trượt (MA) của nó.

2. Sức mạnh giá cổ phiếu: Tính toán số lượng cổ phiếu đạt mức cao nhất trong 52 tuần vừa qua so với mức thấp nhất tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

3. Độ rộng của giá chứng khoán: Phân tích khối lượng giao dịch khi chứng khoán tăng tương phản với khi chứng khoán giảm.

4. Quyền chọn mua và bán: Độ trễ của việc thực hiện các quyền chọn bán là bao nhiêu so với quyền chọn mua để cho ra tín hiệu về sự tham lam và sợ hãi.

5. Nhu cầu về trái phiếu rác: Các nhà đầu tư theo đuổi các chiến lược rủi ro cao hơn bằng cách tính toán khoảng chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu điểm đầu tư và trái phiếu rác.

6. Sự biến động của thị trường: CNN sử dụng Chỉ số Khả năng Biến động của Sở Giao dịch quyền chọn Chicago (VIX), tập trung vào đường trung bình trượt trong vòng 50 ngày.

7. Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn: Sự khác biệt của lợi nhuận cổ phiếu so với trái phiếu.

Mỗi 7 yếu tố chỉ báo này được đánh giá trên thang từ 0 đến 100, chỉ số sợ hãi và tham lam sau cùng được tính bằng cách lấy trung bình để ra kết quả. Nếu chỉ số cho kết quả là 50 thì thị trường trung lập.

(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)

Tường Vy