|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chi phí SG&A (Selling, General & Administrative Expense) là gì? Lợi ích của SG&A

15:47 | 13/01/2020
Chia sẻ
Chi phí SG&A (tiếng Anh: Selling, General & Administrative Expense) trên báo cáo thu nhập là tổng của tất cả các chi phí bán hàng trực tiếp, gián tiếp và các chi phí quản lí doanh nghiệp của một công ty.
Chi phí SG&A (Selling, General & Administrative Expense) là gì? Lợi ích của SG&A - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: All Acronyms

Chi phí SG&A

Khái niệm

Chi phí SG&A (SGASAG hoặc SGNA) trong tiếng Anh là Selling, General & Administrative Expense, tạm dịch là chi phí bán hàng, chi phí hành chính và quản lí doanh nghiệp.

Chi phí SG&A trên báo cáo thu nhập là tổng của tất cả các chi phí bán hàng trực tiếp, gián tiếp và các chi phí quản lí doanh nghiệp (G&A) của một công ty. 

SG&A không được qui vào chi phí sản xuất hay không liên quan đến tất cả các yếu tố đi kèm với việc tạo ra một sản phẩm. 

SG&A bao gồm tiền lương của nhân viên các bộ phận khác nhau như kế toán, CNTT, tiếp thị, nhân sự,... Nó cũng bao gồm hoa hồng, hoạt động quảng cáo và cổ động. Ngoài ra, chi phí thuê, tiện ích và vật tư nào không phải là một phần của sản xuất thì sẽ được bao gồm trong SG&A.

SG&A bao gồm gần như mọi thứ mà trong giá vốn hàng bán (COGS) không có. Trên báo cáo thu nhập, giá vốn hàng bán được khấu trừ từ con số doanh thu thuần để xác định tỉ suất lợi nhuận gộp (gross margin). Dưới mức tỉ suất lợi nhuận gộp, SG&A và bất kì chi phí nào khác sẽ được liệt kê.  

Các chi phí này được khấu trừ vào tỉ suất lợi nhuận gộp và cho ra kết quả là thu nhập ròng. Chi phí lãi vay là một trong những chi phí đáng chú ý không có trong SG&A; nó được liệt kê riêng trên báo cáo thu nhập. Ngoài ra, chi phí nghiên cứu và phát triển cũng không được bao gồm trong SG&A.

Chi phí bán hàng (Selling Expenses)

Chi phí bán hàng có thể được chia thành chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến việc bán một sản phẩm. Chi phí bán hàng trực tiếp chỉ xảy ra khi sản phẩm được bán và có thể bao gồm vật tư vận chuyển, phí giao hàng và hoa hồng bán hàng. Chi phí bán hàng gián tiếp là chi phí xảy ra trong suốt quá trình sản xuất và sau khi sản phẩm được bán.

Chi phí trực tiếp liên quan trực tiếp đến sản phẩm cụ thể được bán. Chi phí gián tiếp về cơ bản là các khoản mục mà tiền được sử dụng để đem về doanh thu. Chi phí gián tiếp bao gồm quảng cáo và tiếp thị sản phẩm, hóa đơn điện thoại, chi phí đi lại và tiền lương của nhân viên bán hàng.

Chi phí G&A (General & Administrative Expense)

Chi phí G&A được gọi là chi phí quản lí doanh nghiệp. Đây là những chi phí mà một công ty phải chịu để mỗi ngày mở cửa. Chi phí G&A phát sinh trong hoạt động hàng ngày của một doanh nghiệp và có thể không được liên kết trực tiếp với bất kì chức năng hoặc bộ phận cụ thể nào trong công ty. 

 Chúng cố định hơn chi phí bán hàng vì chúng bao gồm tiền thuê hoặc thế chấp trên các tòa nhà, phương tiện dịch vụ và bảo hiểm. Chi phí G&A cũng bao gồm tiền lương của nhân viên ở một số bộ phận nhất định, ngoài các chi phí liên quan đến bán hàng hoặc sản xuất.

Lợi ích của chi phí SG&A

Chi phí SG&A đóng một vai trò quan trọng trong khả năng sinh lời và cách tính điểm hòa vốn của công ty - điểm mà doanh thu được tạo ra và chi phí phát sinh là bằng nhau. Đây cũng là một trong những phần chi phí dễ điều chỉnh nhất khi muốn tăng lợi nhuận. Việc cắt giảm chi phí hoạt động, chẳng hạn như lương nhân viên không bán hàng, thường có thể được thực hiện nhanh chóng và không làm gián đoạn quá trình sản xuất hoặc bán hàng.

SG&A cũng là một trong những loại chi phí đầu tiên các nhà quản lí tìm cách giảm dư thừa trong quá trình sáp nhập hoặc mua lại (M&A). Sau khi sáp nhập, có một số vị trí và nhân viên dư thừa. Khu vực này sẽ là một mục tiêu dễ dàng cho đội ngũ quản lí khi muốn tìm cách tăng lợi nhuận nhanh chóng. 

Ví dụ, ngày mà DuPont và Dow Chemical tuyên bố sáp nhập vào năm 2015, các công ty đã tuyên bố cắt giảm 5.400 vị trí việc làm trong nỗ lực tiết kiệm 750 triệu đô la chi phí.

(Theo Investopedia)

Ích Y