|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chỉ học hết lớp 5 nhưng viết nhiều phần mềm hữu ích, giám đốc R2Y giành sự khâm phục của shark Liên

08:55 | 07/10/2019
Chia sẻ
"Bạn ấy mới chỉ học hết lớp 5 nhưng sáng chế nhiều công cụ, viết những phần mềm hữu ích, thực tế", bà Đỗ Thị Kim Liên nói về Nguyễn Hữu Đức, giám đốc R2Y sau khi cam kết đầu tư 15 tỉ đồng.

Trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 2/10, nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên đã cam kết đầu tư 15 tỉ đồng để nắm 49% cổ phần trong công ty R2Y, nhà sản xuất và cung cấp máy ép kính màn hình điện thoại. 

"Tôi có một công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm về điện thoại di động. Khách hàng của tôi cần tìm nơi sửa chữa khi điện thoại hỏng. Nếu các bạn đáp ứng được, tôi có thể cung cấp cho công ty một lượng khách hàng lớn", Shark Liên nói với hai nhà sáng lập R2Y trong chương trình Shark Tan Việt nam vào tối 2/10.

Phát biểu sau chương trình phát sóng, bà Đỗ Thị Kim Liên nói rằng mô hình kinh doanh của R2Y rất phù hợp với định hướng của bà. Hai nhà sáng lập R2Y cũng khao khát tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên - một mục tiêu mà bà Liên cũng muốn theo đuổi.

"Mô hình kinh doanh của họ cũng rất phù hợp với mảng bảo hiểm của tôi. Các bạn ấy có thể trở thành Uber bảo hiểm. Tôi có rất nhiều sản phẩm có thể tương tác với các bạn", nữ doanh nhân nói.

Shark Lien

Bà Đỗ Thị Kim Liên, nhà đầu tư của công ty R2Y. Ảnh: TV Hub

Dù Nguyễn Hữu Đức, giám đốc R2Y, chưa hoàn thành chương trình phổ thông vì phải kiếm tiền giúp gia đình từ năm 14 tuổi, bà Liên vẫn đánh giá cao trình độ của anh. Theo bà, Đức mới chỉ học hết lớp 5 nhưng đã sáng chế nhiều công cụ, viết những phần mềm rất hữu ích, thực tế. Vì thế, vị giám đốc R2Y là điểm cộng đối với bà.

"Không chỉ đam mê với nghề trong suốt mười mấy năm, Đức còn biết nghĩ tới những người giống như bạn ấy. Đức muốn lan tỏa những việc mà bạn ấy đang thực hiện tới những người khác với thông điệp: Đức đã làm được và những người khác cũng sẽ làm được", bà Liên nhấn mạnh.

Ngoài việc sản xuất và cung cấp máy ép kính màn hình điện thoại trên toàn quốc. R2Y cũng đang lên kế hoạch ra mắt một ứng dụng di động cho người dùng. Ứng dụng của R2Y sẽ cho phép kết nối người có nhu cầu sửa chữa điện thoại với kĩ thuật viên do công ty đào tạo.

Đức trực tiếp đào tạo các kĩ thuật viên, và có cam kết đảm bảo đủ chất lượng chuyên môn. Anh nói một người chưa biết về điện thoại chỉ cần 1 tuần để sửa chữa những lỗi cơ bản. Sau đó kĩ thuật viên có thể tự kinh doanh hoặc làm thuê ở nơi khác.

Cũng theo Đức, công việc sửa chữa điện thoại hoàn toàn có thể phù hợp với cả những người khuyết tật. Do đó, năm 2014, anh đã đến các trường khuyết tật tại TP HCM và nhận đào tạo, đồng thời tạo ra công ăn việc làm ổn định cho những người thiếu may mắn.

"Nghề của tôi chỉ cần mắt và tay, hai chân không liên quan. Tôi vẫn nhận họ làm việc, với nguyện vọng giúp họ có công việc, tự làm chủ bản thân", nhà sáng lập R2Y nhấn mạnh.

R2y

Nguyễn Hữu Đức (bên phải) và Andy Tôn Thất (người đeo kính) thuyết trình về mô hình kinh doanh của R2Y trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 2/10. Ảnh: TV Hub

Chi phí đào tạo của R2Y là 20 triệu/khóa. Công ty sẽ hỗ trợ những trường hợp khó khăn thông qua các công ty tài chính.

Doanh thu của R2Y đến từ 4 nguồn chính: Bán dụng cụ sửa chữa (máy ép kính), đào tạo dạy nghề, cung cấp linh kiện hành nghề và thu phí vận hành 20% trên thù lao mà khách hàng trả cho kĩ thuật viên.

Giá một máy ép kính do công ty sản xuất (đã đằng kí bản quyền) là 10-30 triệu đồng. Hiện tại R2Y đã bán 150-200 máy. Yếu tố khiến anh Đức băn khoăn chính là nguồn nguyên liệu vì công ty phải nhập từ Trung Quốc.

Công ty có lợi nhuận gần 2 tỉ đồng trong quí I năm nay từ cung cấp máy ép kính. Trong khoảng thời gian từ đầu quí 2 tới thời điểm ghi hình, R2Y đang trong quá trình chạy đà và chuẩn bị cho việc tung ra thị trường ứng dụng di động để kết nối với khách hàng.

Lợi nhuận công ty, theo tính toán của nhóm sáng lập, sẽ đạt mức 100 tỉ vào cuối năm 2019, trong đó 20% lợi nhuận đến từ bán máy và 80% đến từ doanh thu qua ứng dụng.

Với số vốn 15 tỉ đồng từ bà Liên, Đức sẽ dùng 8 tỉ  đồngvào hoạt động marketing, 2 tỉ đồng vào đào tạo và 5 tỉ đồng để sản xuất máy móc dự trữ.

Khi đầu tư 8 tỉ đồng vào marketing, Đức sẽ chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang việc tìm khách hàng trực tuyến.

Nhạc Dương