|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup tái chế rác của kỹ sư Bách Khoa lên Shark Tank nhưng không ai rót vốn vì lý do này

07:58 | 10/09/2024
Chia sẻ
Các Shark từ chối đầu tư nhưng đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của nhà sáng lập và cam kết sẽ đồng hành với startup trong việc gọi vốn.

Startup tái chế LAGOM đang đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 những chiếc móc áo tái chế 100% từ vỏ sữa giấy, sản phẩm từng đạt giải thưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo ở Đức. LAGOM muốn kêu gọi đầu tư 43 tỷ đồng cho 30% cổ phần, trong đó 39 tỷ sẽ dùng để xây dựng nhà máy. 

Nhà sáng lập Lê Trung Thông – Kỹ sư điện tử tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng cộng sự Trần Văn Hiếu đã chuyển hướng sang lĩnh vực tái chế sau thời gian kinh doanh trong ngành cầu đường. 

Lê Trung Thông - Founder LAGOM (phải) và Trần Văn Hiếu, Co-Founder. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tuy nhiên, Thông nhận ra mong muốn đóng góp cho xã hội thông qua việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là ngành tái chế, khi tham gia các hoạt động từ thiện và nhận thấy khó khăn trong việc xử lý rác thải tại nhiều địa phương.

Khởi đầu với những ý tưởng từ việc thu gom và tái chế các vật liệu khó phân hủy như giấy, nhôm và nhựa, LAGOM tập trung vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác. Hiện tại, doanh nghiệp thu gom nguyên liệu tái chế từ khoảng 2.000 trường học trên khắp Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ rác thải tái chế để phục vụ các ngành công nghiệp như ngoại thất, nội thất, và thời trang.

Một trong những sản phẩm nổi bật của LAGOM là móc áo ECO HANGER, được tái chế 100% từ vỏ hộp sữa giấy. Sản phẩm có giá bán gần 0,5 USD, cạnh tranh hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự trên thị trường châu Âu (thường có giá khoảng 2 USD).

Mục tiêu của LAGOM không chỉ là sản xuất các sản phẩm tái chế mà còn xây dựng một hệ sinh thái tái chế khép kín, từ việc thu gom nguyên liệu đến quy trình sản xuất.

Trong 5 năm hoạt động, mặc dù chưa tập trung vào việc bán hàng, LAGOM đã đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ lũy kế gần 5 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 6,6 tỷ đồng đã góp đủ, LAGOM vẫn duy trì được hoạt động nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế.

Từ năm 2022, LAGOM đã hoàn thiện quy trình sản xuất công nghiệp và đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy với công suất tái chế 2.000 tấn mỗi năm, dự kiến mang lại doanh thu 50 tỷ đồng trong năm đầu tiên và lợi nhuận 12,5 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 30% mỗi năm và mở rộng công suất lên 10.000 tấn trong vòng 4 năm tới.

Dẫu truyền cảm hứng về một tương lai thân thiện nhưng các Shark đánh giá thương vụ còn nhiều rủi ro khi mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Shark Hưng từ chối đầu tư nhưng đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của Trung Thông và cam kết sẽ đồng hành với startup trong việc gọi vốn.

Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối nhưng sẽ hỗ trợ kết nối startup với các quỹ NGO (tổ chức phi lợi nhuận - PV) quốc tế. Shark Minh Beta, Shark Thái và Shark Bình đều không ra deal, nhưng họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và sẵn sàng trở thành cố vấn cho LAGOM. 

Thành Vũ