|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cách mạng công nghiệp (Industrial Revolution) là gì?

15:01 | 17/10/2019
Chia sẻ
Cách mạng công nghiệp (tiếng Anh: Industrial Revolution) là sự thay thế lao động thủ công (lao động tay chân) của con người bằng lao động của máy móc, từ sản xuất thủ công sang nền sản xuất cơ khí.
cách mạng công nghiệp

Cách mạng công nghiệp

Cách mạng công nghiệp trong tiếng Anh là industrial revolution

Cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở Anh bắt đầu từ những phát minh máy móc trong ngành dệt (những năm 60 thế kỉ 18), sau đó lan sang Mỹ, Pháp, Đức,... (kéo dài đến giữa thế kỉ 19). 

Ý nghĩa lớn nhất của cách mạng công nghiệp là thay thế lao động thủ công (lao động tay chân) của con người bằng lao động của máy móc, từ sản xuất thủ công sang nền sản xuất cơ khí. 

Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi cơ bản những điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kĩ thuật của xã hội loài người. Ngoài ra, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, cách mạng công nghiệp một mặt đẩy mạnh sản xuất, mặt khác hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa là tư sản và vô sản. 

Các giai đoạn 

Cách mạng công nghiệp thường được chia thành 2 giai đoạn:

- Thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19 (1708 - 1835) - diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ với thành tựu cơ bản là chế tạo máy móc, giao thông, đường sắt.

- Nửa cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 (1836 - 1913) cách mạng công nghiệp lan rộng ra toàn thế giới và phát triển mạnh mẽ với thành tựu của động cơ đốt trong và điện. 

Một trong những thành tựu lớn nhất từ cách mạng công nghiệp liên quan đến sự phát triển của lí thuyết về quan hệ quốc tế là sự xuất hiện của các học thuyết chính trị về quyền tự do cá nhân và quốc gia dân tộc.

Về quyền dân tộc đã xuất hiện hai xu hướng cơ bản trong học thuật. Một xu hướng cho rằng mỗi dân tộc đều có quyền tự lựa chọn mô hình nhà nước và tổ chức xã hội riêng cho mình, không dân tộc nào có quyền can thiệp. 

Trong khi đó, với sức mạnh của khoa học công nghệ, các nước tư bản châu Âu đã bành trướng khắp thế giới thông qua chủ nghĩa thực dân lại cho rằng các dân tộc lớn, những dân tộc siêu đẳng hơn có nghĩa vụ phải khai hóa văn minh cho những dân tộc khác, giúp họ thiết lập tổ chức nhà nước cho phù hợp.

Cách mạng công nghiệp cũng đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn mang tính đối kháng gay gắt giữa hai giai cấp cơ bản là tư sản và vô sản. Mâu thuẫn này đã khiến các nhà xã hội không tưởng như Saint Simon, Charles Fourrier và Robert Owen chủ trương xây dựng một xã hội công nghiệp hạn chế bóc lột, hạn chế sự cách biệt giàu - nghèo, khắc phục những mặt tiêu cực của xã hội tư bản trên cơ sở thuyết phục các nhà tư bản.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khái niệm "công nghiệp hóa" xuất hiện và được dùng thay thế cho cách mạng công nghiệp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ công nghiệp hóa, một số các quốc gia phương Tây phát triển thành quốc gia công nghiệp. 

Nhiều nước thuộc thế giới thứ ba cũng bắt đầu các chương trình công nghiệp hóa dưới sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ hoặc Liên Xô trong Chiến tranh lạnh nửa cuối thế kỉ 20. Nỗ lực này ở một số nước Đông Á thành công hơn so với các nước khác trên thế giới. 

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)