|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Mỹ vẫn không nỡ buông bỏ thị trường tỉ dân

14:51 | 27/03/2020
Chia sẻ
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn đang đặt cược vào người tiêu dùng của đất nước tỉ dân ngay cả khi tình trạng gián đoạn hoạt động kinh doanh do đại dịch COVID-19 kéo tụt doanh thu.

Một cuộc khảo sát trên 119 doanh nghiệp trong giai đoạn 13 - 18/3 mà Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc thực hiện cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm đáng kể đã tăng từ 28% hồi tháng trước lên 50%.

"Như chúng tôi thấy trong khảo sát, lĩnh vực tiêu dùng là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất", ông Alan Beebe - Chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho hay sáng hôm 25/3. "Tiêu dùng là một trong các lĩnh vực có mức sụt giảm doanh thu mạnh nhất".

"Mặt khác, kế hoạch đầu tư của lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ, lại không thực sự thay đổi", ông Beebe nói. "Theo tôi, mặc dù hai ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn, triển vọng ngành về cơ bản là không thay đổi".

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam tính đến trưa ngày 27/3 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 199 quốc gia/vùng lãnh thổ, khiến tổng cộng 531.955 người nhiễm bệnh và 24.081 người tử vong.

Đáng chú ý, từ vị trí thứ ba, Mỹ hiện đã vươn lên trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới, theo sau là Trung Quốc đại lục và Italy.

Trong bối cảnh đại dịch lây lan trên khắp thế giới, chính phủ nhiều nước đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà và buộc các hoạt động kinh doanh không thiết yếu tạm thời đóng cửa. Lệnh phong tỏa qui mô lớn đã dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến thị trường tài chính thế giới lao dốc.

CNBC dẫn một nghiên cứu ra ngày 20/3 của ông Sam Stovall - chiến lược gia đầu tư tại CFRA cho biết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trên một cổ phiếu của nhóm S&P 500 dự kiến sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm nay, trong khi của nhóm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể giảm 1,3%.

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Mỹ vẫn không nỡ buông tay thị trường tỉ dân - Ảnh 2.

Các công ty tiêu dùng Mỹ quyết tâm "rót tiền" vào Trung Quốc bất chấp đại dịch. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Theo một nghiên cứu mà FactSet công bố hôm 20/3, hàng loạt công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu như ô tô, may mặc và giải trí, đã đề cập đến dịch COVID-19 trong buổi công bố kết quả kinh doanh theo quí của họ.

Báo cáo của nhà phân tích cấp cao John Butters cho biết, trong 213 công ty thuộc nhóm S&P 500 từng đề cập đến dịch COVID-19, tỉ lệ của thị trường tỉ dân trong tổng doanh thu của họ là 6%.

Khi COVID-19 lần đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, các doanh nghiệp chủ yếu lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi dịch lan rộng trên khắp thế giới, doanh nghiệp lại chuyển mối lo sang tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ngay cả khi Trung Quốc và hàng trăm triệu người tiêu dùng trong nước đã trở lại làm việc.

"Hiện tại, chúng tôi đang trải qua một đại dịch toàn cầu, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp thành viên AmCham đã thay đổi đáng kể, một phần do chuỗi cung ứng, nhưng thực sự vấn đề là nhu cầu của người tiêu dùng", ông Greg Gilligan - Chủ tịch AmCham, chia sẻ trên CNBC.

Ông Gilligan cho biết các công ty thành viên AmCham đang lên kế hoạch cắt giảm chi phí, điều chỉnh ngân sách và thay đổi dự báo doanh thu năm 2020, tuy nhiên họ chưa điều chỉnh hoặc cắt giảm nhân sự.

Tỉ lệ doanh nghiệp tham gia khảo sát tháng 3 và cho biết nhu cầu đối với sản phẩm của họ giảm đã tăng từ 22% hồi tháng 2 lên 39%.

Về phía chuỗi cung ứng, các thành viên AmCham ít bị ảnh hưởng bởi quá trình nối lại sản xuất tương đối chậm của các công ty Trung Quốc có qui mô vừa và nhỏ.

2/3 thành viên AmCham tham gia khảo sát cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc vừa và nhỏ chiếm không quá 1/4 chuỗi cung ứng, trong khi chỉ 11% cho biết họ phụ thuộc khá nhiều.

Các công ty tiêu dùng quyết tâm "rót tiền" vào Trung Quốc bất chấp đại dịch

Được thực hiện vào cuối năm ngoái, cuộc khảo sát điều kiện kinh doanh thường niên của AmCham cho thấy tiêu dùng là một trong các ngành có triển vọng lạc quan nhất ở thị trường Trung Quốc năm 2020, do tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc khá đông và ngày càng phát triển.

Trong cuộc khảo sát nhanh tuần trước, các thành viên AmCham hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và ngành công nghiệp khai thác - chế biến đã bày tỏ thái độ bi quan nhất về tác động của đại dịch COVID-19 đến tăng trưởng thị trường năm nay, 38% doanh nghiệp trong cả hai ngành dự đoán doanh thu sẽ giảm ít nhất 50%.

Tuy nhiên, 48% doanh nghiệp - đều hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng - cho biết họ sẽ duy trì các khoản đầu tư như kế hoạch đề ra trước đó, chiếm tỉ lệ cao nhất trong khảo sát. Trong khi 8% khác cho biết họ sẽ tăng đầu tư theo kế hoạch.

Dịch vụ là ngành còn lại ghi nhận các doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư (chiếm 8%), trong khi lĩnh vực công nghệ có tỉ lệ doanh nghiệp dự tính duy trì các khoản đầu tư cao thứ hai (chiếm 43%).

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đã giảm 25,6% trong tháng 2, trong khi tổng giá trị vốn đầu tư trong hai tháng đầu năm đạt 134,4 tỉ nhân dân tệ (tương đương 19,2 tỉ USD), giảm 8,6% so với cùng kì năm ngoái.

Đối với các thành viên AmCham nói chung, 40% trong khảo sát mới nhất cho biết họ sẽ duy trì mức đầu tư theo kế hoạch trước đó, tăng từ 23% ghi nhận hồi tháng trước. Chỉ 2% cho hay họ sẽ xem xét rút khỏi thị trường tỉ dân trong 3 - 5 năm tới.

"Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang kiên nhẫn và tự tin rằng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cuối cùng sẽ trở lại bình thường, không dẫn đến bất kì thay đổi đột ngột nào trong chiến lược dài hạn", ông Beebe nói.

1/5 thành viên AmCham cho hay họ đã trở lại làm việc, 13% dự kiến sẽ khôi phục hoạt động trở lại vào cuối tháng 3 và 23% vào cuối tháng 4.

Nói về hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh, yêu cầu hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc là giảm thuế, sau đó là sự nhất quán về chính sách và cuối cùng là về lệnh hạn chế di chuyển giữa các khu vực khác nhau ở trung Quốc.

Dựa trên kết quả khảo sát, Chủ tịch Gilligan của AmCham cũng rất lạc quan rằng áp lực từ đại dịch COVID-19 sẽ khiến Trung Quốc tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh hơn.

Yên Khê