Trung Quốc muốn ổn định cả thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo
Giữa lúc các thị trường tài chính toàn cầu phải hứng chịu cú sốc COVID-19, Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu trở thành một lực lượng bình ổn – bắt đầu từ chính thị trường trong nước.
Mặc cho các lời kêu gọi hợp tác quốc tế, đến thời điểm hiện nay các nhà lãnh đạo thế giới vẫn chưa thể thống nhất mức độ các nước nên hỗ trợ lẫn nhau.
Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ nhiều vấn đề, ví dụ như tỉ lệ nợ cao, thiếu vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Trung Quốc là nước đầu tiên phải chiến đấu chống lại COVID-19 kể từ sau khi dịch bệnh này bùng phát ở Vũ Hán cuối tháng 12 năm ngoái. Hiện dịch bệnh đã lan ra hơn 160 nước và khiến hơn 16.500 người chết trên toàn thế giới.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc liên tục giảm, chính phủ tập trung nỗ lực để đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Một số nhà phân tích cho rằng kinh nghiệm chống dịch chính là điều tốt nhất mà Trung Quốc có thể mang đến cho thị trường toàn cầu.
Nhận định này cho thấy giới hạn của những gì nền kinh tế thứ hai thế giới có thể làm ở cấp độ toàn cầu, và làm thế nào mà "địa vị" là nước đầu tiên đối đầu với COVID-19 của Trung Quốc có thể đem đến những kinh nghiệm quí giá cho toàn thế giới.
Ông Helge Berger, trưởng phái đoàn Trung Quốc và trợ lí giám đốc tại bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC: "Dù thực tế là Trung Quốc chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng các quốc gia khác vẫn có thể rút ra một số bài học từ nước này".
"Những bài học này cũng cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải luôn chuẩn bị cho trường hợp xảy ra một sự kiện bất ngờ ngăn cản tăng trưởng… Sự sụt giảm kinh tế do COVID-19 sẽ rất nghiêm trọng. Điều này có tầm quan trọng lớn và cần đến sự chú ý của tất cả chúng ta".
Những lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của COVID-19 khiến thị trường chứng khoán giảm sâu, đẩy lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống mức thấp kỉ lục.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều đã lao dốc mạnh kể từ mức đỉnh mới được thiết lập tháng trước. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 lần lượt mất đến 35%, 32%, 28% so với ngưỡng cao nhất trong tháng 2.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai composite chỉ giảm khoảng 13% so với mức đỉnh thiết lập trong đầu năm.
Thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc có qui mô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. "Vì vậy, việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính Trung Quốc là một đóng góp to lớn cho sự ổ định của thị trường tài chính toàn cầu" – theo phát biểu của ông Trần Vũ Lộ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong một cuộc họp báo.
Ông Trần Vũ Lộ nói việc ổn định thị trường trong nước chỉ là một trong hai mục tiêu tài chính mà chính phủ Trung Quốc nhắm đến nhằm giúp ổn định thị trường tài chính toàn cầu.
Trung Quốc đang nói chuyện với Fed
Ông Trần Vũ Lộ cho biết mục tiêu còn lại là trở thành một thành viên tích cực hoạt động trong việc điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế, bao gồm việc hợp tác với những quốc gia khác để hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Ông Trần Vũ Lộ nói: "PBoC cũng đã chủ động báo cáo tác động kinh tế của virus corona chủng mới và các biện pháp đối phó hiệu quả cho ngân hàng trung ương các nước nhóm G20 và các tổ chức tài chính quốc tế lớn".
Ông Trần cho biết Thống đốc của PBoC "nhiều lần" trao đổi Giám đốc điều hành IMF, Tổng giám đốc của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Chủ tịch Fed về cách mà chính sách tiền tệ có thể giúp chống lại ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế.
Thay vì cắt giảm lãi suất hay tung ra một gói kích thích kinh tế trên qui mô lớn, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng. Thậm chí, hôm 20/3 PBoC còn quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong tháng 3 bằng với tháng 2.
PBoC đã vài lần cắt giảm lãi suất mục tiêu, và công bố các khoản vay đặc biệt với qui mô hàng trăm triệu nhân dân tệ để hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì COVID-19.
Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Peking nói với CNBC: "Trung Quốc muốn thu hút dòng tiền quốc tế và do đó sẽ không cắt giảm lãi suất nhiều như các quốc gia khác, và có rất ít khả năng nước này sẽ phá giá tiền tệ".
Trong thời gian gần đây, tỉ giá đồng nhân dân tệ dao động quanh mức gần 7 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD. Phó Thống đốc PBoC cho biết ngân hàng dự kiến tỉ giá này sẽ không biến động nhiều.
Theo dữ liệu từ Wind Information, giá nhân dân tệ đã giảm 1,4% so với đồng USD trong năm nay, nhưng lại tăng 4,75% so với rổ tiền tệ chính thức.
Một thông tin quan trọng hơn đối với những nhà đầu tư nước ngoài là chênh lệch lợi suất trung bình hàng ngày trong giai đoạn 20/2 đến 19/3 giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc lên tới 172 điểm cơ bản (theo cơ quan quản lí ngoại hối Trung Quốc).
Điều này khiến cho tài sản tài chính của Trung Quốc trở nên khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cách biệt này cũng giúp ích cho mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là tăng cường sự phổ biến của các tài sản niêm yết bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Giới hạn ổn định thị trường nội địa
Giáo sư Michael Pettis của Đại học Peking cho rằng rằng dòng vốn ngoại tệ sẽ đổ vào Trung Quốc nhờ vào các động thái trên. Điều này giúp cho Bắc Kinh mở rộng cung tiền nội địa, và biến nước này thành một nhà nhập khẩu lớn, thay vì một quốc gia mạnh vì xuất khẩu như hiện nay.
"Sự ổn định của Trung Quốc không tốt mà cũng chẳng xấu đối với thế giới. Các quốc gia chỉ được hưởng lợi nếu Trung Quốc làm tăng tổng cầu thế giới".
Thị trường tài chính của Trung Quốc có qui mô lớn, nhưng vẫn khá khép kín đối với phần còn lại của thế giới, trái ngược với mối liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu và giao thương quốc tế.
Ủy ban Quản lí Chứng khoán Trung Quốc cho biết vốn của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 4% tổng vốn hóa của thị trường cổ phiếu nước này.
Ông Isaac Stone Fish, một chuyên gia cấp cao tại Asia Society nói với CNBC: "Tôi nghĩ việc tự tuyên bố bản thân là hi vọng của sự ổn định toàn cầu là một bước đi khôn ngoan của chính phủ Trung Quốc, nhưng trên thực tế thì điều này lại không đúng".
"Một trong những lí do là thế giới không hiểu rõ hệ thống tài chính của Trung Quốc. Do đó, chúng ta càng khó đoán được diễn biến tiếp theo của nền kinh tế này".
Các số liệu chính thức công bố tuần trước đã vẽ ra một viễn cảnh u ám đối với triển vọng nền kinh tế Trung Quốc. Dựa trên những số liệu này, nhiều nhà kinh tế dự báo rằng GDP Trung Quốc sẽ giảm trong quí I/2020, và tăng trưởng GDP cả năm 2020 cũng thấp.
Ông Berger, trợ lí giám đốc tại bộ phận Châu Á và Thái Bình Dương của IMF nhận xét: "Nếu Trung Quốc có thể đảm bảo rằng nền kinh tế nước này hồi phục mạnh sau quí I/2020, thì đó cũng sẽ là một đóng góp lớn cho thế giới".
"Chúng tôi rất phấn khởi trước thực tế là tỷ giá đồng nhân dân tệ đang dao động linh hoạt. Điều này giúp cho các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào các vấn đề nội địa".
Các vấn đề này bao gồm việc hệ thống tài chính Trung Quốc sử dụng tỉ lệ đòn bẩy cao, và tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chững lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
COVID-19 cũng đã giáng đòn mạnh vào giới doanh nghiệp vừa và nhỏ - động lực chính cho tăng trưởng của Trung Quốc.
Khi được hỏi về thị trường tài chính toàn cầu, Phó Thống đốc Trần Vũ Lộ của PBoC trả lời thận trọng: "Giờ vẫn còn quá sớm để kết luận liệu thế giới đã rơi vào suy thoái hay chưa".