|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

12 cách vượt qua khủng hoảng kinh tế mùa dịch Covid-19 của doanh nghiệp Trung Quốc (Phần 2)

08:44 | 19/03/2020
Chia sẻ
Giá cổ phiếu trong các lĩnh vực hàng đầu ở Trung Quốc như phần mềm và dịch vụ, thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế đã phục hồi chỉ sau vài ngày và đã tăng trung bình 12%.

Dù sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hiện nay là chưa chắc chắn nếu hiện tượng lan dịch cục bộ mới lại xuất hiện, các doanh nghiệp tại đây đều đã lên kế hoạch phục hồi và hậu phục hồi.

Tất nhiên, Trung Quốc có hệ thống chính trị và hành chính riêng biệt, cũng như đặc điểm xã hội đặc thù nhưng nhiều bài học ở đây thực sự có thể áp dụng cho mọi tổ chức.

7. Chuẩn bị cho sự phục hồi nhanh chóng

Chỉ 6 tuần sau khi bùng phát dịch, Trung Quốc dường như đã bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế đầu tiên. Tỉ lệ tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng hiện đang ở mức 73% của năm 2019, tăng từ mức 62% trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất của mùa dịch Covid-19, cho thấy mức độ di chuyển của người và hàng hóa đang dần trở lại. 

Tương tự, tiêu thụ than dường như đang phục hồi từ mức đáy 43% lên 75%, phản ánh một số hoạt động sản xuất đã dần phục hồi. Đồng thời, sự tự tin dường như đang quay trở lại trong các giao dịch bất động sản, vốn đã giảm xuống 1% so với năm 2019 nhưng sau đó, đã trở lại ngưỡng 47%.

8. Mỗi lĩnh vực sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau

Không có gì đáng ngạc nhiên, mỗi ngành và nhóm sản phẩm sẽ phục hồi ở các tốc độ khác nhau, do đó, đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau. Giá cổ phiếu giảm đều trên tất cả các lĩnh vực trong 2 tuần đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát nhưng các lĩnh vực hàng đầu như phần mềm và dịch vụ, thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế đã phục hồi chỉ sau vài ngày và đã tăng trung bình 12%.

12 cách vượt qua khủng hoảng kinh tế mùa dịch Covid-19 của doanh nghiệp Trung Quốc (Phần 2) - Ảnh 1.

Tốc độ phục hồi của các ngành công nghiệp Trung Quốc. Ảnh: HBR

Phần lớn các lĩnh vực phục hồi chậm hơn nhưng đều khôi phục về mức trước mùa dịch chỉ trong vòng vài tuần. Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như vận tải, bán lẻ và năng lượng, chiếm 28% vốn hóa thị trường đối với nhóm cổ phiếu lớn nhất của Trung Quốc, vẫn giảm 5% và chỉ có dấu hiệu phục hồi tối thiểu.

9. Tìm cơ hội giữa tình hình khó khăn

Trong khi cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc đã tác động đến mọi lĩnh vực ở một mức độ nhất định, nhu cầu cũng tăng ở một số lĩnh vực và ngành nghề khác. Ví dụ, ngành thương mại điện tử B2C (đặc biệt là các mô hình bán lẻ trực tiếp tới nhà), thương mại điện tử B2B, dịch vụ họp từ xa, mạng xã hội, sản phẩm vệ sinh, bảo hiểm y tế và các nhóm sản phẩm liên quan. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng huy động nhân lực và nguồn vốn để giải quyết những nhu cầu này.

10. Mỗi nhân viên đều có trách nhiệm phục hồi doanh nghiệp

Các chính sách y tế công cộng khu vực, các cơ sở y tế dã chiến và hướng dẫn hành chính sẽ tạo ra động lực phục hồi riêng cho mỗi khu vực. Đặc điểm này cũng không dựa theo cấu trúc địa lý của các công ty. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận linh hoạt.

Một công ty sữa hàng đầu của Trung Quốc (doanh nghiệp trị giá 10 tỉ USD với cơ sở sản xuất khá rộng và có mạng lưới phân phối trên toàn Trung Quốc) đã phát triển cách tiếp cận theo phân khúc, dựa trên động lực phục hồi của từng khu vực và thành phố. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và mật độ lực lượng bán hàng cũng là yếu tố cần cân nhắc.

11. Đổi mới nhanh chóng theo nhu cầu mới

Ngoài việc tái cân bằng danh mục sản phẩm của doanh nghiệp, nhu cầu mới của khách hàng cũng tạo ra cơ hội cho sự đổi mới. Khi bị đe dọa bởi khủng hoảng, nhiều công ty sẽ tập trung vào các động thái phòng thủ nhưng một số công ty Trung Quốc lại mạnh dạn đổi mới để nắm bắt các cơ hội mới nổi trong mùa dịch.

12. Xác định những thói quen tiêu dùng mới xuất hiện trong mùa dịch

Một số thay đổi có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong và sau cuộc khủng hoảng. Nhiều lĩnh vực sẽ tái định hướng thị trường thực tế mới ở Trung Quốc và các nơi khác. Thật vậy, cuộc khủng hoảng SARS vào năm 2003 đến nay vẫn được ghi nhận là yếu tố đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử ở Trung Quốc. 

Vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn những thói quen mới nào sẽ tồn tại lâu dài nhưng một số ngành đang có tiềm năng mạnh mẽ và chuyển đổi từ ngoại tuyến sang trực tuyến bao gồm giáo dục, dịch vụ y tế và các kênh thương mại B2B.

Chắc chắn sẽ có nhiều bài học mới xuất hiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ tìm được cách áp dụng hiệu quả nhất thông qua học hỏi, điều chỉnh và áp dụng từ các khu vực khác nhằm bảo vệ nhân viên và doanh nghiệp tốt hơn. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đầy biến động, cách tiếp cận linh hoạt này nên được áp dụng rộng rãi hơn cho quản lí mùa khủng hoảng.

Thu Phương