|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

12 cách vượt qua khủng hoảng kinh tế mùa dịch Covid-19 của doanh nghiệp Trung Quốc (Phần 1)

12:37 | 17/03/2020
Chia sẻ
Những bài học từ các doanh nghiệp Trung Quốc rất đáng cho các công ty toàn thế giới học hỏi và áp dụng.

Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 lan sang châu Âu và Mỹ, các công ty đang vật lộn để đối phó và thích nghi. Không có phương án nào dễ dàng do diễn biến của dịch rất khó đoán, kinh nghiệm liên quan không nhiều và các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế cũng chưa đưa ra được hướng dẫn có ích.

Chắc chắn mỗi khu vực và quốc gia đều khác nhau nhưng các công ty có thể học hỏi từ những tổ chức đi trước để đối phó với dịch bệnh. Trung Quốc dường như đang ở giai đoạn phục hồi kinh tế đầu tiên, theo phân tích của nhóm chuyên gia HBR về dữ liệu di chuyển của con người và hàng hóa, sản xuất và niềm tin. 

Dựa trên kinh nghiệm của nhóm chuyên gia từng hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc trong kế hoạch phục hồi, 12 kinh nghiệm dưới đây rất đáng để cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tham khảo và áp dụng.

1. Nhìn về phía trước và liên tục điều chỉnh hướng đi

Theo định nghĩa, các cuộc khủng hoảng có chu kì rất khó đoán, đòi hỏi ban lãnh đạo phải liên tục chỉnh sửa các mô hình và kế hoạch kinh doanh. Sự thiếu hiểu biết ban đầu phải được thay thế bằng khám phá và ý thức, sau đó lên kế hoạch ứng phó với khủng hoảng, chiến lược phục hồi, chiến lược hậu phục hồi, và cuối cùng là rút kinh nghiệm và học hỏi.

Quá trình này phải diễn ra thật nhanh chóng và do đó, CEO đứng đầu phải là người xóa bỏ các khúc mắc trong quy trình phối hợp nội bộ phức tạp để không chậm phản ứng với các thay đổi bất ngờ.

2. Chọn cách tiếp cận từ dưới lên để bổ sung cho các nỗ lực từ trên xuống

Phản ứng nhanh chóng, phối hợp đòi hỏi sự lãnh đạo thống nhất từ trên xuống. Tuy nhiên, thích ứng với các thay đổi không thể đoán trước đòi hỏi sự linh hoạt từ nhiều cộng đồng khác nhau cần có sự chủ động phi tập trung. 

Một số công ty Trung Quốc đã cân bằng hiệu quả hai cách tiếp cận, thiết lập khung hoạt động từ trên xuống, trong đó cho phép nhân viên đổi mới và tự giải quyết một số tình huống.

3. Chủ động minh bạch và bảo mật cho nhân viên

Trong một cuộc khủng hoảng, tính minh bạch rất khó đảm bảo do tình hình và thông tin có sẵn liên tục thay đổi. Các quyết định hoặc lời khuyên chính thức có thể thiếu sót, mâu thuẫn, lỗi thời hoặc không đủ chi tiết cho các mục đích thực tế. 

Hơn nữa, sự nhầm lẫn có thể đến từ quá nhiều báo cáo truyền thông với những quan điểm và lời khuyên khác nhau. Nhân viên cần áp dụng những cách làm việc mới nhưng họ cũng cần được cung cấp thông tin rõ ràng, nhất quán và định hướng chung.

12 cách vượt qua khủng hoảng kinh tế mùa dịch Covid-19 của doanh nghiệp Trung Quốc (Phần 1) - Ảnh 1.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh nhẹn triển khai lại hệ thống bán hàng sang các kênh mới, cả B2C và B2B. Ảnh: China Daily

4. Tái phân bổ lao động linh hoạt cho các lĩnh vực khác nhau

Trong các doanh nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như nhà hàng - khách sạn, nhân viên không thể làm việc như bình thường. Thay vì giảm lương hoặc sa thải, một số doanh nghiệp Trung Quốc sáng tạo đang tích cực tái phân bổ nhân viên cho các hoạt động mới và có giá trị như lập kế hoạch phục hồi hoặc thậm chí đưa nhân viên sang các công ty khác làm việc tạm thời.

5. Thay đổi hệ thống kênh bán hàng 

Bán lẻ cá nhân và ngành bán lẻ nói chung gặp thiệt hại nghiêm trọng ở các khu vực tâm dịch. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh nhẹn triển khai lại hệ thống bán hàng sang các kênh mới, cả B2C và B2B.

Công ty mỹ phẩm Lin Qingxuan đã buộc phải đóng cửa 40% các cửa hàng trong cuộc khủng hoảng vừa qua, bao gồm tất cả các gian hàng tại Vũ Hán. Tuy nhiên, công ty đã đưa hơn 100 cố vấn làm đẹp từ các cửa hàng trở thành hot blogger hoặc vlogger. 

Tận dụng các mạng xã hội như WeChat để thu hút phần lớn khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến, doanh thu tại Vũ Hán của công ty thậm chí vẫn đạt mức tăng trưởng 200% so với cùng kì năm trước.

6. Tận dụng mạng xã hội để phối hợp với nhân viên và đối tác

Với công việc từ xa và hàng loạt các thách thức phối hợp mới, nhiều công ty Trung Quốc đã tìm đến mạng xã hội như WeChat, để điều phối nhân viên và đối tác.

Cosmo Lady, công ty đồ lót và đồ thể thao lớn nhất Trung Quốc, đã khởi xướng một chương trình nhằm tăng doanh số bán hàng thông qua WeChat, yêu cầu nhân viên quảng bá thương hiệu trên chính trang cá nhân của mình. Công ty xây dựng một bảng xếp hạng doanh số cho tất cả các nhân viên (bao gồm cả chủ tịch và CEO) cùng tham gia, thúc đẩy các nhân viên cùng đóng góp sáng kiến.

Thu Phương