|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dừng 'thí điểm' để được 'chính thức'

15:00 | 15/03/2020
Chia sẻ
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định 146/QĐ - BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grab, Be, Go-Viet, FastGo…) để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ - CP của Chính phủ. Theo đó, từ 1/4, việc thử nghiệm xe hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông vận tải sẽ hết hiệu lực.
Dừng 'thí điểm' để được 'chính thức' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên, kể từ ngày 1/4/2020, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Vậy sau thời gian này, những loại hình kinh doanh như Grab, Be… sẽ theo hướng kinh doanh như thế nào? Họ là doanh nghiệp vận tải hay những nhà cung ứng phần mềm vận tải?

Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp. 

Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định. 

Bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, d, e,  i, k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

“Như vậy, dù loại hình nào, dùng cái tên nào thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, cứ phải đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ được công nhận chính thức chứ không chỉ là loại hình vận tải được thí điểm như trước đây. Bởi xe công nghệ là loại hình mới tại thị trường Việt Nam, vì vậy cần có quy định cụ thể để quản lý theo môi trường kinh doanh của thị trường.

Điều này cũng giúp tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và thuận tiện hơn cho các ban, ngành chức năng trong công tác quản lý.

Xuân Thảo