Tòa phúc thẩm vẫn yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng cho Vinasun, Grab nói bản án 'thiếu thuyết phục'
Sáng ngày 10/3, Tòa án Nhân dân Cấp cao TP HCM phân xử vụ kiện tụng giữa công ty TNHH Grab và công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).
Phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc với kết quả khiến cả hai bên cùng không hài lòng. Tòa sơ thẩm yêu cầu Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phía Vinasun mong muốn mức bồi thường 41,2 tỉ đồng trong khi Grab cho rằng Tòa án Nhân dân cấp thành phố không đủ thẩm quyền giải quyết vụ án.
Ở phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm, có nghĩa là Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng.
Phản hồi với giới truyền thông về vụ việc, Grab khẳng định không hề có quan hệ nhân quả nào giữa các thiệt hại về kinh tế của Vinasun và hoạt động kinh doanh của Grab.
Grab lập luận công ty hoàn toàn tuân thủ Đề án thí điểm theo Quyết định 24 mà các cơ quan chức năng công nhận. Ngoài ra, công ty cho rằng Tòa án đã vượt quá thẩm quyền và tạo nên tiền lệ không tốt.
"Phán quyết ấy có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh xảy ra. Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ", Grab bình luận.
Ngoài ra, Grab khẳng định bản án của tòa phúc thẩm là không thuyết phục. Grab chỉ ra sự sụt giảm lợi nhuận cũng như giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun trong các năm 2016 và 2017 đến từ nguyên do nội tại chứ không phải từ phía Grab.
Nguyên nhân khiến tòa phúc thẩm giữ nguyên kết luận của tòa sơ thẩm, theo Grab, là tòa phúc thẩm tiếp tục dựa vào báo cáo giám định từ phiên tòa trước, trong khi đó là những báo cáo "không đảm bảo khách quan, vô tư và có nhiều sai sót", theo Grab.
"Tại phiên tòa hôm nay, Grab đã lại chứng minh nhiều sai sót trong báo cáo giám định. Vì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục dựa vào báo cáo giám định này, nên bản án của Tòa án cấp phúc thẩm không có tính thuyết phục", người đại diện Grab bình luận.
Mặc dù phải chịu bản án phúc thẩm bồi thường 4,8 tỉ đồng cho Vinasun, nhưng Grab nhấn mạnh phán quyết của tòa án sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty tại thị trường Việt Nam.
"Với việc hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam từ ngày 01/04/2020, chúng tôi tin rằng Vinasun không có bất kì cơ sở pháp lý nào để cản trở quá trình thực hiện chính sách của chính phủ thông qua Tòa án. Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của chính phủ, các Bộ, ngành khi thực hiện Nghị định 10", Grab tuyên bố.