|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 không làm thay đổi xu hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc

04:02 | 23/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân Trung Quốc.
Dịch COVID-19 không làm thay đổi xu hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN.

Theo tờ Thương báo (Hong Kong), dư luận Trung Quốc lo ngại dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang chịu sức ép ngày càng gia tăng này sẽ rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc và các chuyên gia nhận định xu hướng phát triển tích cực về lâu dài của kinh tế Trung Quốc sẽ không thay đổi.

Trước hết, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát rồi lây lan ra cả nước, nhưng các khu vực cốt lõi và trọng điểm tập trung ở Vũ Hán và các khu vực lân cận. Thiệt hại kinh tế ở Vũ Hán là không thể tránh khỏi.

Mặc dù dịch bệnh xuất hiện với mức độ khác nhau ở các khu vực khác trên toàn Trung Quốc, nhưng tác động của nó nhẹ hơn nhiều so với ở Vũ Hán và về cơ bản dịch đang dần được kiểm soát.

Dựa trên tình hình hiện nay, có thể thấy, ngoại trừ Vũ Hán và các khu vực lân cận, các địa phương khác đang tiếp tục khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Mặc dù năm nay dịch bệnh đã làm trì hoãn các hoạt động sản xuất trên cả nước so với các năm trước, nhưng thời gian trì hoãn tương đối ngắn.

Các tác động tạm thời sẽ dần được bù đắp trở lại sau khi kết thúc dịch thông qua các phương thức như tăng ca, tăng giờ làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ hai, dịch COVID-19 có tác động lớn nhất đến nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu trên lĩnh vực giá cả thị trường. Nhiều ngành nghề như giao thông vận tải, du lịch, ăn uống, bán lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong khi các ngành này chịu tác động, giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc lại gia tăng mạnh mẽ. Xem xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các giao dịch trực tuyến ở một mức độ nhất định đã bù đắp cho những tổn thất mà dịch COVID-19 gây ra đối với hệ thống các cửa hàng phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, sự bùng phát và tiếp diễn của dịch đã kích thích mạnh mẽ sự phát triển của ngành y tế Trung Quốc.

Hiện nay, các sản phẩm y tế và phòng hộ cung không đủ cầu. Dự báo dịch bệnh lần này sẽ đưa ngành y tế Trung Quốc lên một tầm cao mới và trở thành điểm tăng trưởng mới của nền kinh tế Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. So với thời điểm bùng phát dịch SARS năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần, năng lực chống khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều lần so với 17 năm về trước.

Xét về hiệu suất kinh tế xã hội và thị trường của Trung Quốc kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, cả nước vận hành có trật tự, cung ứng thị trường đầy đủ, giá cả duy trì bình ổn.

Thứ tư, Trung Quốc có lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng với nhiều công nghệ mới, ngành nghề mới và hình thức kinh doanh mới. Nền kinh tế “ba mới” không ngừng trỗi dậy và tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc là quốc gia "đất rộng người đông", lãnh thổ rộng lớn, vùng nội địa kinh tế rộng lớn và không gian thị trường lớn. Hiện nay, nhu cầu trong nước đã trở thành động lực số một để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, đầu tư của nhà nước tập trung cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, cũng như một loạt chính sách miễn giảm thuế. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy “hai cỗ xe” nhu cầu và đầu tư của Trung Quốc.

Cuối cùng, nhờ quốc tế hóa nền kinh tế, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã duy trì vị thế là cường quốc thương mại hàng hóa hàng đầu thế giới. Bất chấp việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc, ngành ngoại thương của Trung Quốc vẫ duy trì đà phát triển ổn định.

Có thể nói, thế giới vẫn có sự kết nối chặt chẽ với Trung Quốc, với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và các sản phẩm của Trung Quốc.

Hoạt động ngoại thương của Trung Quốc trong năm 2020 dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh và thị trường nước ngoài vẫn sẽ là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Bài viết kết luận, tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc mang tính cục bộ, tính giai đoạn và tạm thời, do đó dịch bệnh sẽ không thay đổi xu hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Ngược lại, dịch bệnh đã mang đến một bài khảo nghiệm trên nhiều phương diện cho kinh tế Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến lên với tốc độ vừa và cao, đóng góp của Trung Quốc cho nền kinh tế thế giới vẫn sẽ duy trì ở mức 30%.

Hoài Nam