|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Bán chịu (Credit Sales) trong giao dịch thương mại quốc tế là gì?

15:37 | 22/10/2019
Chia sẻ
Trong giao dịch thương mại, bán hàng theo phương thức trả tiền ngay là hình thức thông thường nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào người mua cũng có thế thanh toán ngay, vì vậy, bán chịu (Credit Sales) là lẽ đương nhiên trong nền thương mại quốc tế ngày nay.
credit sales

Bán chịu

Khái niệm 

Bán chịu trong tiếng Anh là credit sales.

Trong giao dịch thương mại quốc tế, bán hàng theo phương thức trả tiền ngay là hình thức thông thường nhất mà người bán, người mua áp dụng. Tuy nhiên, không phải lúc nào, ở đâu, và bất cứ Nhà nhập khẩu nào cũng sẵn sàng có tiền để thanh toán ngay cho Nhà xuất khẩu. 

Về phía Nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, thời cơ bán hàng có lợi không phải lúc nào cũng đến một cách thuận lợi. Vì vậy, bán chịu là lẽ đương nhiên trong nền thương mại quốc tế ngày nay. 

Bán chịu là một phương thức giao dịch thương mại, theo đó, Nhà xuất khẩu, sau khi giao hàng xong sẽ kí phát hối phiếu đòi nợ trả chậm đòi tiền Nhà nhập khẩu và yêu cầu Nhà nhập khẩu hoặc một người khác do Nhà nhập khẩu chỉ định kí chấp nhận thanh toán hối phiếu đòi nợ đó. Đến lúc hối phiếu đòi nợ đáo hạn, Nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ từ Nhà nhập khẩu. 

Bán chịu là hình thức tài trợ của Nhà xuất khẩu đối với Nhà nhập khẩu

Với việc bán chịu hàng hóa cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu đã tài trợ cho nhà nhập khẩu bằng hình thức "vay hàng hóa", kinh doanh tiêu thụ, trả sau. Nhà xuất khẩu đã tạo điều kiện về vốn cho nhà nhập khẩu trong điều kiện thiếu vốn để nhà nhập khẩu có thể mua được hàng hóa mà không cần phải vay vốn của ngân hàng. 

Đây cũng chính là một trong hai chế độ tín dụng cơ bản trong nền sản xuất hàng hóa - tín dụng thương nghiệp giữa các nhà doanh nghiệp với nhau không có sự tham gia của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải nhà doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng dư thừa nhiều vốn để cho vay theo hình thức bán chịu hàng hóa. 

Họ chỉ có thể "chịu" được trong khả năng có thể, còn lại nhà xuất khẩu phải tìm cách thu hồi vốn cho vay một cách nhanh nhất để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất của mình. 

Cũng như cách tài trợ thông qua phương thức Mở tài khoản (Open account), cách thông dụng nhất mà Nhà xuất khẩu thường thực hiện và đem hối phiếu đòi nợ này đến chiết khấu tại ngân hàng để huy động lại vốn của mình. Rủi ro của hình thức tài trợ này phụ thuộc vào việc thanh toán của Nhà nhập khẩu khi hối phiếu đòi nợ đáo hạn như thế nào quyết định. 

Để giảm thiểu rủi ro cho Nhà xuất khẩu, Nhà nhập khẩu phải yêu cầu ngân hàng phát hành thư bảo lãnh thanh toán hối phiếu đòi nợ trả chậm hoặc cam kết trả tiền hối phiếu đòi nợ bằng L/C thương mại hoặc L/C dự phòng. 

(Theo Giáo trình Tài trợ thương mại quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống Kê)

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.