AKFTA: Qui tắc xuất xứ đối với mặt hàng giày dép
Qui tắc chung
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định AKFTA, hàng hóa phải đáp ứng được các Qui tắc xuất xứ của Hiệp định. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên nếu:
Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu; hoặc
Trường hợp 2: Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu chỉ từ những nguyên liệu có xuất xứ từ ASEAN hoặc Hàn Quốc; hoặc
Trường hợp 3: Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về qui tắc xuất xứ được qui định cụ thể trong Phụ lục về Qui tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng (Phụ lục 3-A) hoặc Phụ lục về các hàng hóa đặc biệt (Phụ lục 3-B).
Đối với trường hợp 3, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy trong Hiệp định được xác định dựa trên các tiêu chí:
- Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC): Tiêu chí này đòi hỏi ít nhất 40% giá trị sản phẩm cuối cùng phải có xuất xứ trong các Nước thành viên AKFTA.
Tiêu chí này được sử dụng kết hợp với phương pháp cộng gộp chéo (diagonal cumulation), theo đó "một sản phẩm có xuất xứ trong lãnh thổ một Nước thành viên được sử dụng trong lãnh thổ một nước Thành viên khác làm nguyên liệu tạo ra sản phẩm cuối cùng được phép hưởng đối xử ưu đãi về thuế, sẽ được coi như có xuất xứ trong lãnh thổ của Thành viên cuối cùng nơi mà sản phẩm cuối cùng được sản xuất hoặc chế biến".
Cộng gộp chéo rộng rãi hơn cộng gộp song phương (bilateral cumulation) vốn chỉ tính đến giá trị gia tăng tạo ra trong 2 Nước thành viên.
- Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC): Tiêu chí này đòi hỏi sản phẩm phải thuộc mã số HS khác với mã số HS của nguyên liệu nhập khẩu (2 số, 4 số hoặc 6 số).
Chuyển đổi mã số hàng hóa có thể thực hiện ở các cấp độ khác nhau: từ cấp độ rộng hơn đến cấp độ cụ thể hơn, chương (cấp 2 số HS), nhóm (cấp 4 số), phân nhóm (cấp 6 số). Về nguyên tắc, việc chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ rộng hơn sẽ nghiêm ngặt hơn.
Công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) như sau:
a) Cách tính trực tiếp (còn gọi là phương pháp Build - Up)
RVC = VOM / FOB x 100%
Trong đó: VOM là trị giá của các nguyên liệu có xuất xứ (bao gồm trị giá của chi phí nguyên liệu có xuất xứ, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí kinh doanh trực tiếp, cước vận chuyển và lợi nhuận).
b) Cách tính gián tiếp (còn gọi là phương pháp Build - Down)
RVC = (FOB - VNM) / FOB x 100%
Trong đó: VNM là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ, cụ thể:
(i) Giá CIF tính tại thời điểm nhập khẩu nguyên vật liệu, bộ phận hoặc hàng hóa đầu vào; hoặc
(ii) Giá tại thời điểm mua sớm nhất của nguyên vật liệu, bộ phận hoặc hàng hóa đầu vào chưa xác định được xuất xứ trong lãnh thổ của nước thành viên nơi thực hiện các công đoạn gia công hoặc chế biến.
Qui tắc cụ thể mặt hàng
Ngoài các nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa như trên, AKFTA còn qui định qui tắc cụ thể riêng cho một số sản phẩm.
Tuy nhiên, các sản phẩm giày dép không nằm trong danh sách này, do đó việc xác định xuất xứ của sản phẩm giày dép thực hiện theo các qui tắc chung ở trên.
Các vấn đề khác
Tỷ lệ không đáng kể
Hiệp định có qui định về tỷ lệ không đáng kể (De Minimis) 10%, theo đó cho phép lô hàng không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi mã HS vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có tổng giá trị nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong sản xuất và không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi mã HS không vượt quá 10% giá FOB của lô hàng đó.
Qui tắc cộng gộp
Hiệp định AKFTA có cho phép cộng gộp xuất xứ, theo đó, hàng hóa có xuất xứ của một nước thành viên, được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của một nước thành viên khác để sản xuất ra một thành phẩm đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan, sẽ được coi là có xuất xứ của nước thành viên nơi việc sản xuất hoặc chế biến thành phẩm đó diễn ra.
Nói cách khác, AKFTA chấp nhận cộng 100% trị giá FOB của nguyên liệu/ bán thành phẩm vào quá trình sản xuất tiếp theo để tạo ra thành phẩm khi xét qui tắc xuất xứ.