|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thị trường Maroc: Những hiệp định thương mại đa phương

13:24 | 06/11/2020
Chia sẻ
Đến nay, Maroc đã kí với các đối tác và tổ chức quốc tế 5 Hiệp định đa phương và 6 Hiệp định song phương.

Các hiệp định đa phương có thể kể đến như Hiệp định với các nước Arab, Hiệp định Agadir, Hiệp định với EU, Hiệp định với Khu vực tự do mậu dịch châu Âu (ZELE), Hiệp định AFCFTA, theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc.

Hiệp định với các nước Arab

Hiệp định khu vực tự do mậu dịch Arab (GAFTA) kí ngày 16/3/1997, có hiệu lực ngày 26/2/1998, gồm 22 thành viên của Liên đoàn Arab tham gia.

Phạm vi áp dụng: Các sản phẩm xuất xứ từ các nước Arab.

Điều khoản thoả thuận cơ bản: Dỡ bỏ thuế quan trong thời gian 10 năm với tỷ lệ 10%/năm. Xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, nhưng vẫn duy trì giấy phép.

Qui định xuất xứ: RVC: 40%. 

Lĩnh vực liên quan: Nông nghiệp

Hiệp định Agadir (gồm Ai Cập, Jordan, Maroc và Tunisia)

Kí ngày 25/4/2004, có hiệu lực ngày 27/3/2007.

Phạm vi áp dụng: Sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và công nông nghiệp có xuất xứ từ những nước ký kết, ngoại trừ:

Những sản phẩm bị cấm vì lý do sức khoẻ, đạo đức, an ninh công cộng và bảo vệ môi trường; 

Những sản phẩm nông nghiệp liên quan đến điều khoản được nêu tại mục II 2.3 đoạn (b) của thông tư hướng dẫn số 4977/222 ngày 30/12/2005 đã sửa đổi.

Để đổi lại việc tự do thâm nhập của các sản phẩm công nghiệp Maroc, Hiệp định qui định loại bỏ dần dần trong 12 năm giống như mô hình của EU;

Điều khoản thoả thuận: Hiệp định nêu rõ loại bỏ việc hưởng luỹ kế xuất xứ với EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Khu vực tự do mậu dịch châu Âu đối với các sản phẩm nông nghiệp và nông - công nghiệp được tự do hoá trong khuôn khổ các hiệp định tự do mậu dịch giữa các nước ký kết và những nước nêu trên.

Những sản phẩm nông nghiệp tự do nhập khẩu vào Maroc hưởng luỹ kế qui tắc xuất xứ theo Qui định của các hiệp định đã ký với EU và Thổ Nhĩ Kỳ được ghi trong danh sách số 4 phụ lục II của thông tư số 5047/223 ngày 27/03/2007. Hiệp định cũng chỉ rõ Hiệp định kí với Khu vực tự do mậu dịch châu Âu chỉ liên quan đến những sản phẩm công nghiệp.

Miễn toàn bộ thuế nhập khẩu và phí tương ứng;

Vẫn tính thuế VAT và cơ sở tính VAT là trên giá trị tính thuế nhập khẩu.

Hiệp định với Liên minh châu Âu (EU)

Kí ngày 26/2/1996, có hiệu lực ngày 1/3/2000.

Phạm vi áp dụng: Thương mại hàng hoá và dịch vụ. Hợp tác trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, xã hội và văn hoá. Thương mại dịch vụ, đầu tư, giải quyết các tranh chấp.

Điều khoản thỏa thuận: Để đổi lại việc các sản phẩm công nghiệp Maroc được tự do thâm nhập thị trường EU, Hiệp định qui định dỡ bỏ dần dần trong thời gian 12 năm đối với các sản phẩm có xuất xứ từ EU theo ba danh sách sau:

Danh sách các sản phẩm được miễn thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực (trang thiết bị);

Danh sách các sản phẩm mà thuế quan được dỡ bỏ trong thời gian ba năm với tỉ lệ 25%/năm và được miễn thuế từ ngày 1/3/2003 (nguyên liệu, phụ tùng thay thế, hàng hoá không sản xuất tại địa phương);

Danh sách các sản phẩm dỡ bỏ thuế trong thời gian dài đã được hưởng thời gian ân hạn là ba năm và được giảm thuế 10% mỗi năm kể từ tháng 3/2003. Danh sách chủ yếu liên quan đến những mặt hàng sản xuất tại địa phương.

Đối với những sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp: Tách yếu tố nông nghiệp ra khỏi yếu tố công nghiệp và loại bỏ dần yếu tố công nghiệp.

Đối với những sản phẩm nông nghiệp: Liên quan đến xuất khẩu của Maroc, Hiệp định qui định miễn thuế quan có hoặc không hạn chế hạn ngạch hoặc với số lượng tham khảo. Về những sản phẩm nông nghiệp của EU, Maroc cam kết giảm thuế quan trong khuôn khổ hạn ngạch.

Những qui tắc xuất xứ: Nghị định thư IV về khu vực châu Âu Địa Trung Hải Qui định những điều khoản ưu đãi về qui tắc xuất xứ nhất là việc mở rộng hệ thống luỹ kế xuất xứ khu vực châu Âu. Các nước khu vực châu Âu Địa Trung Hải có liên quan đến áp dụng việc luỹ kế xuất xứ này là các thành viên EU (25), 4 nước thành viên của Khu vực tự do mậu dịch châu Âu, Bulgaria, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và 9 nước bờ Nam Địa Trung Hải như Maroc, Angeria, Ai Cập, Tunisia, Syria, Palestine, Jordan, Israel và Liban.

Hiệp định với Khu vực tự do mậu dịch châu Âu (ZELE)

Kí ngày 19/6/1997, có hiệu lực ngày 1/3/2000.

Phạm vi áp dụng: Thương mại hàng hoá. Một điều khoản của Hiệp định xác định việc tự do hoá dần dần các trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ song phương với mỗi quốc gia thành viên của Khu vực tự do mậu dịch châu Âu và cải thiện Nghị định thư về các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp ở cấp đa phương.

Hiệp định cũng đề ra việc tự do hoá thương mại dịch vụ và quyền thành lập công ty.

Điều khoản thỏa thuận:

Để đổi lại việc tự do thâm nhập của các sản phẩm công nghiệp Maroc, Hiệp định qui định loại bỏ dần dần trong thời gian 12 năm giống như mô hình của EU;

Trái với EU, Khu vực tự do mậu dịch châu Âu không có một chính sách nông nghiệp chung, do vậy những nhượng bộ được trao đổi với từng nước thành viên;

Nghị định thư B về qui tắc xuất xứ đính kèm Hiệp định đưa ra những điều khoản ưu đãi về qui tắc xuất xứ nhất là việc mở rộng hệ thống luỹ kế xuất xứ khu vực châu Âu. Các nước khu vực châu Âu Địa Trung Hải có liên quan đến áp dụng việc luỹ kế xuất xứ này là các thành viên EU (25), 4 nước thành viên của Khu vực tự do mậu dịch châu Âu, Bulgaria, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và 9 nước bờ Nam Địa Trung Hải như Maroc, Angeria, Ai Cập, Tunisia, Syria, Palestine, Jordan, Israel và Liban.

Hiệp định Thương mại tự do Châu Phi (AFCFTA)

Kí kết ngày 21/3/2018 tại Rwanda. Thành viên: 53 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi.

Điều khoản thỏa thuận: Kí và thông qua Văn bản khung Hiệp định. Các nước tiếp tục đàm phán các phụ lục theo hướng ưu đãi, cắt giảm tối đa thuế quan và rào cản thương mại.

AFCFTA có qui mô lớn, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Phạm vi đàm phán của Hiệp định AFCFTA khá rộng, đề cập tới nhiều nội dung như: tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, giải quyết tranh chấp, hợp tác hải quan, thuận lợi hóa thương mại, qui tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, vệ sinh kiểm dịch, đầu tư, thương mại điện tử…

Quá trình đàm phán được chia làm hai giai đoạn (hoặc có thể sẽ nhiều hơn), trong đó giai đoạn 1 chủ yếu tập trung vào đàm phán mở cửa hàng hóa và dịch vụ, cùng một số nội dung có liên quan. ỞGiai đoạn 2, các nước sẽ đề cập đến các nội dung còn lại.

Dạng hiệp định: AFCFTA là một hiệp định tự do thương mại nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên AU. 

Mục tiêu ban đầu là cắt giảm các rào cản thương mại giữa các khu vực tự do thương mại hiện có để tăng cường lưu thông hàng hóa nội khối. Về lâu dài, AFCFTA có mục tiêu thống nhất các khu vực tự do thương mại và liên minh hải quan trở thành khu vực tự do thương mại và liên minh hải quan toàn châu Phi.

Việc kí kết Hiệp định AFCFTA là biểu tượng quan trọng thể hiện sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi, giúp tăng cường tình đoàn kết nội khối, đồng thời thể hiện mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế của Chính phủ các nước thành viên. 

Đây được xem là là bước tiến tích cực trong quan điểm lập trường, khác biệt với tư tưởng cục bộ, riêng lẻ đã tồn tại từ lâu tại các nước châu Phi.

Ánh Dương