|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

AANZFTA: Qui tắc xuất xứ đối với mặt hàng rau quả

15:10 | 15/10/2020
Chia sẻ
Các qui định về qui tắc xuất xứ trong Hiệp định AANZFTA được cụ thể hóa trong Thông tư 31/2015/TT- BCT.
Ảnh minh họa. Nguồn: freepik

Ảnh minh họa. Nguồn: freepik

Qui tắc chung

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, các qui định về qui tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) được cụ thể hóa trong Thông tư 31/2015/TT- BCT của Bộ Công thương.

Cụ thể, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên;

Trường hợp 2: Được sản xuất tại lãnh thổ của một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên khác

Trường hợp 3: Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, nhưng đáp ứng được các tiêu chí qui định tại Phụ lục II (Qui tắc cụ thể mặt hàng) của Thông tư 31/2015/TT-BCT;

Đối với trường hợp 3: Phụ lục II Thông tư 31/2015/TT-BCT cho phép lựa chọn một hoặc kết hợp các tiêu chí:

- Tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC): không nhỏ hơn 40%

- Tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa

- Công đoạn gia công chế biến cụ thể.

Cách tính RVC:

a) Công thức trực tiếp

RVC = (Chi phí NVL AANZFTA + Chi phí nhân công + Chi phí phân bổ + Chi phí khác + Lợi nhuận) / Giá FOB x 100%

b) Công thức gián tiếp

RVC = (FOB - Trị giá nguyên liệu không có xuất xứ (VNM)) / Giá FOB x 100%

Trong đó:

- Chi phí nguyên liệu AANZFTA là trị giá nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa có xuất xứ do nhà sản xuất mua hoặc tự sản xuất;

- Chi phí nhân công bao gồm lương, thù lao và các khoản phúc lợi khác cho người lao động;

- Chi phí phân bổ là toàn bộ các chi phí chung được phân bổ cho quá trình sản xuất;

- Các chi phí khác là các chi phí phát sinh trong quá trình đưa hàng lên tàu hoặc các phương tiện vận tải khác để xuất khẩu, bao gồm nhưng không giới hạn bởi chi phí vận tải nội địa, chi phí lưu kho, chi phí bốc dỡ hàng tại cảng, phí môi giới, phí dịch vụ;

- Trị giá nguyên liệu không có xuất xứ (VNM) là giá CIF tại thời điểm nhập khẩu hoặc giá mua đầu tiên của nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm không có xuất xứ mà nhà sản xuất đã trả. Giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ bao gồm nguyên liệu không xác định được xuất xứ nhưng không bao gồm giá trị nguyên liệu tự sản xuất.

- Trị giá hàng hóa theo Phụ lục này được xác định theo Điều VII của GATT 1994 và Hiệp định Trị giá Hải quan.

Việt Nam áp dụng công thức tính gián tiếp để xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo Hiệp định AANZFTA.

Qui tắc cụ thể mặt hàng

AANZFTA áp dụng qui tắc cụ thể mặt hàng với một số mặt hàng được ghi chú rõ trong Phụ lục 2 Thông tư 31/2015/TT-BCT. Theo đó, qui tắc cụ thể mặt hàng áp dụng với một số mặt hàng rau quả trong AANZFTA được qui định như sau:

Chi tiết Qui tắc cụ thể mặt hàng áp dụng với mặt hàng rau quả trong AANZFTA





Các vấn đề khác

Qui tắc Ti lệ tối thiểu (De Minimis)

Đối với mặt hàng rau quả, hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi mã HS vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan nếu tổng giá trị nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không có xuất xứ và không đạt tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS không vượt quá 10% tổng giá trị FOB của hàng hóa.

Qui tắc cộng gộp

Hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định và được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra hàng hóa ở một nước thành viên khác được coi là có xuất xứ của nước thành viên nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến hàng hóa đó.

Đối với tiêu chí RVC, chỉ khi nào sản phẩm (nguyên liệu hoặc hàng hóa) đáp ứng tiêu chí RVC tối thiểu (40% ) thì mới được xem xét cộng gộp và khi đó là cộng 100% trị giá FOB của nguyên liệu/bán thành phẩm vào quá trình sản xuất tiếp theo để tạo ra thành phẩm.