70% quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao
Hãng tin Nikkei Asian Review phân tích dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins và nhận thấy có 126 trên tổng số 188 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 tăng trong tuần qua. Trong tháng 5, số quốc gia có ca nhiễm mới tăng chỉ là 77.
40 nước châu Âu, tức khoảng 80% số nước của lục địa này, có số ca nhiễm mới đi lên. Ở châu Á và châu Đại Dương, tỉ lệ là gần 70%.
Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu và các quốc gia đang đối mặt với thách thức làm thế nào để cân bằng giữa một bên là hoạt động kinh tế với một bên là kiểm soát dịch bệnh.
Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Tây Ban Nha gần đây cao gấp khoảng 8 lần so với giai đoạn tháng 6. Số người dương tính mới ở Australia những ngày qua thậm chí còn phá đỉnh cũ hồi tháng 3.
Việt Nam sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng cũng đang phải ứng phó với ổ dịch mới ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác gồm Hà Nội, TP HCM, Thái Bình, … Ba bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã tử vong trong tuần qua.
Một trong những lí do khiến số ca dương tính tăng ở các quốc gia là năng lực xét nghiệm được cải thiện.
Hồi tháng 4, khoảng 20% số ca xét nghiệm của Mỹ cho kết quả dương tính, tỉ lệ này ở Nhật Bản là 7%. Vào tháng 7, tỉ lệ dương tính trung vị của 88 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố số liệu chỉ là khoảng 2%, tức là các quốc gia đã làm xét nghiệm nhiều hơn.
9 quốc gia châu Âu bao gồm Tây Ban Nha và Bỉ có tỉ lệ dương tính/xét nghiệm cao hơn 3%. Hồi tháng 6, Nhật Bản có tỉ lệ dương tính/xét nghiệm dưới 1% nhưng hiện nay là 5%, cho thấy số ca bệnh thực tế đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng của năng lực xét nghiệm.
Nhiều quốc gia đang thắt chặt các qui định kiểm soát để ngăn COVID-19 lây lan. Tính đến ngày 31/7, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng trở lại các lệnh cấm tụ tập và đóng cửa cơ sở giải trí.
Các biện pháp phong tỏa gây thiệt hại ghê gớm tới hoạt động kinh tế nên chính phủ các nước đang cố gắng phòng chống dịch mà không phải đóng cửa hoàn toàn hoạt động kinh tế.
Một vài quốc gia châu Âu đang thử nghiệm phương án "phong tỏa thông minh", tức là chỉ phong tỏa một số địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao, kiểm soát chặt những người ra vào địa phương này.
Italy từng bắt đầu cho phép người từ Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh từ đầu tháng 6 nhưng ngày 24/7 vừa qua đã áp dụng yêu cầu cách li bắt buộc hai tuần đối với người đến từ Romania và Bulgaria. Đây là hai nước có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trong thời gian gần đây.