5 nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam lắc đầu trước công ty bán vườn cây thu nhỏ trong nhà
Startup với mong muốn "giáo dục khách hàng"
Đến với Shark Tank mùa 3, anh Phạm Anh Tuấn muốn gọi 2 tỉ đồng từ các nhà đầu tư, để đổi lấy 10% cổ phần công ty Treant Protector Việt Nam. Công ty của anh Tuấn cung cấp sản phẩm vườn cây thu nhỏ trong nhà T-Farm. Hiện tại Treant Protector Việt Nam đang sở hữu 2 bằng sáng chế tạm thời tại Mỹ.
T-Farm sử dụng công nghệ khí canh nên cây trồng bên trên sẽ nhận chất dinh dưỡng từ nước và phân hữu cơ trong máy. Máy phun bụi khí vào rễ cây để tiết kiệm nước và giúp rễ cây tiếp xúc với lượng oxi lớn hơn.
Đối tượng mục tiêu mà công ty hướng tới là các hộ gia đình không có điều kiện sở hữu khu vườn ngoài trời.
Anh Phạm Anh Tuấn kêu gọi 2 tỉ đồng cho 10% của Treant Protector Việt Nam trong chương trình Shark Tank vào tối 9/10. Ảnh: VTV
Mỗi vườn cây T-Farm sẽ có diện tích khoảng 0,5 m2. Tuy nhiên, với kết cấu nhiều tầng và khá cồng kềnh, T-Farm sẽ tương đối chiếm không gian cũng không mang tính chất thẩm mĩ, dẫn tới việc "kém khả thi" ở thị trường Việt Nam, theo bà Đỗ Thị Kim Liên.
"Em đồng ý với quan điểm rằng hiện tại bên em đang gặp khó khăn với thị trường. Và em đang ở trong giai đoạn giáo dục khách hàng để chấp nhận một khu vườn trong nhà", anh Tuấn thừa nhận.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập Treant Protector Việt Nam còn cho rằng sản phẩm của anh có tính năng ưu việt hơn so với các dòng sản phẩm vườn cây trong nhà khác. Đặc biệt, T-Farm có khả năng trồng các loại gia vị của châu Âu và các loại dược liệu theo ý khách hàng. Treant Protector Việt Nam sẽ cung cấp giống theo yêu cầu của khách.
Sự tiên lợi cũng là một trong những điểm đáng chú ý. Người sử dụng chỉ việc lắp hai đường cấp nước và xả nước, sau đó cắm điện để có thể sử dụng T-Farm. Người trồng điều khiển máy qua một ứng dụng di động để điều chỉnh đúng loại rau củ để cung cấp lượng dinh dưỡng phù hợp nhất.
Tuy nhiên, quan điểm "giáo dục" khách hàng đã không nhận được sự ủng hộ từ ông Phạm Thành Hưng. Doanh nhân sinh năm 1975 cho rằng thay vì giáo dục khách hàng, công ty cần tự giáo dục lại bản thân về cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Không chỉ ông Hưng, shark Việt cũng đồng tình với quan điểm này.
"Cái anh thấy khó nhất chính là giáo dục khách hàng. Theo anh nghĩ, để khách hàng giáo dục mình thì tốt hơn. Chứ mình mà giáo dục khách hàng thì khó lắm", ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom, nhận định.
'Chất lượng sản phẩm đảm bảo'
Đối với bất kì một mô hình kinh doanh thực phẩm nào, tính an toàn luôn là một trong những yếu tố được quan tâm nhiều nhất. Tuấn khẳng định công ty xét nghiệm mọi sản phẩm để phát hiện chất ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
"Nhiều thứ chúng ta ăn không ảnh hưởng sức khỏe hiện tại, nhưng lại không tốt trong tương lai lâu dài. Do đó chúng ta cũng không thể nói những rau này là nông sản hữu cơ", bà Thái Vân Linh thắc mắc.
Anh Tuấn cho hay qui chuẩn về rau sạch của T-Farm giống qui chuẩn của siêu thị. Ngoài ra chu trình sản xuất ra máy và rau của T-Farm hoàn toàn giống hệt như các công nghệ trên thế giới.
Trong mỗi khoang, thông qua sự điều chỉnh từ ứng dụng di động, người dùng có thể thay đổi ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển và tần suất âm thanh để giả lập, giống như rau đang trồng trên đất ở các vùng miền khác nhau.
Không khả thi về mặt kinh doanh
Hiện tại công ty mới chỉ có một khách hàng duy nhất là DB Homes với bản hợp đồng 100 máy với giá một máy là 25 triệu đồng. Trong khi đó, Treant Protector Việt Nam đã "đốt" hết 14 tỉ đồng trong vòng 2 năm (13 tỉ đồng của nhà đầu tư thiên thần).
Bà Đỗ Liên cho rằng người dùng không cần thiết phải bỏ 25 triệu để có thể mua về một máy trồng rau, vì rau ngoài thị trường rất rẻ nên không đầu tư.
Ông Hưng lập luận bỏ ra 25 triệu đồng cho 0,5 mét vuông là một con số không mang tính kinh tế. Thông thường một trang trại chỉ đầu tư 1-1,5 triệu USD cho 1 ha. Ngược lại, theo mô hình của anh Tuấn, khách hàng cần phải bỏ ra tới 500 tỉ đồng. Đây là lí do Phó chủ tịch CENGROUP cũng không đầu tư vào công ty của anh Tuấn.
Các nhà đầu tư nhận định mô hình T-Farm không thật sự mang tính khả thi về mặt kinh tế. Ảnh: VTV
Nhận định thị trường chưa thật sự cần sản phẩm và việc chi phí dự kiến bỏ ra để marketing là rất lớn, ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Thái Vân Linh cũng từ chối đầu tư.
Khi chỉ còn ông Việt chưa đưa ra quyết định, anh Tuấn cố gắng thuyết phục "cá mập", cho rằng ở Việt Nam cực kì khó để tìm ra một loại phân hữu cơ phù hợp cho loại thủy canh và khí canh.
Tuy nhiên, ông Việt lại nhận định đây là một thương vụ phức tạp ở câu chuyện hữu cơ hay vô cơ. Ngoài ra Chủ tịch Intracom đánh giá bản lĩnh của anh Tuấn quá khủng khiếp khi "giáo dục" khách hàng, do đó cũng không thể rót vốn.
Mặc dù ra về tay trắng, anh Tuấn vẫn rất lạc quan vào tương lai của công ty.
"Rất tiếc khi không có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư ở thời điểm này. Tuy nhiên, chắc chắn tôi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai", anh Tuấn khẳng định.