Xây dựng mô hình giáo dục tập trung như quân đội để đưa lao động sang Đức, startup bị nhận xét quá non bất ngờ được 3 Shark góp tiền đầu tư
Mang không khí lễ hội Oktoberfest nổi tiếng của nước Đức ngay đến Shark Tank Việt Nam, Startup VNG Education 21 cùng hai nhà sáng lập Nguyễn Lê Phú Thịnh và Dương Minh Khánh Lâm đem đến ý tưởng đào tạo và xuất khẩu lao động có chuyên môn sang Đức. VNG Education 21 đến Shark Tank để kêu gọi 3 tỷ cho 10% cổ phần.
Ông Lâm cho biết dân số Đức già hóa nhanh. Năm 2020, Viện Kinh Tế Đức đã có thông báo 1,2 triệu công việc trống do không tìm được nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu và con số này có thể gia tăng tới 3,9 triệu trong năm 2030.
Nhận ra vấn đề khủng hoảng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đức. Bên cảnh đó, startup nhận thấy Việt Nam đang có nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, VNG Education 21 đã ra đời để làm cầu nối giữa Việt Nam và Đức. “Công ty mang đến giải pháp cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, có tay nghề tại Việt Nam cho nhà tuyển dụng tại Đức”, CEO Founder Nguyễn Lê Phú Thịnh nói.
Trả lời câu hỏi của Shark Bình về việc tại sao lại là Đức mà không phải các nước khác, ông Phú Thịnh cho biết, VNG Education 21 muốn tập trung vào thị trường Đức trước vì đang có nền tảng công nghệ của một startup tại Đức phát triển.
Nền tảng công nghệ này có tên là Fachkraft1. Nền tảng này dựa trên câu chuyện rating và scoring (đánh giá và cho điểm) giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng và đặc trưng của người lao động để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.
Theo ông Phú Thịnh, sau khi matching (phù hợp) thì người lao động và người tuyển dụng lao động sẽ sử dụng nền tảng này phỏng vấn online với nhau. Phỏng vấn online xong sẽ ký hợp đồng lao động tại Việt Nam theo tiêu chuẩn hợp đồng lao động của Đức. Từ đó, VNG Education 21 sẽ thực hiện việc đào tạo ngôn ngữ, chuẩn hóa mọi bộ hồ sơ xuất nhập cảnh.
Theo VNG Education 21, công ty vừa thành lập năm nay nhưng đã có 500 đơn đặt hàng từ Đức thông qua nền tảng Fachkraft1. Đối tượng hiện tại trong năm 2021 mà VNG Education 21 hướng tới sẽ là những người đã có chứng chỉ nghề, dưới 35 tuổi, và còn có khả năng học ngôn ngữ.
“Tìm được nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu bên đó, đồng thời thỏa mãn được những yêu cầu về nhập cảnh, về giấy phép lao động, về ngôn ngữ là cả một vấn đề. Tôi cũng có thể đưa vài nghìn người sang Châu Âu ngay lập tức nếu bạn có nguồn cung đáp ứng được yêu cầu của bên đó”, Shark Hưng nói, ông chia sẻ thêm về kinh nghiệm tìm người lao động phù hợp ở nước ngoài.
Đồng tình với ý kiến của Shark Hưng, Shark Liên cũng hỏi thêm startup giải pháp để đưa được những người có nghề sang Đức. Shark Liên cũng tiết lộ, bản thân đã ký với Đức 4 năm, đào tạo hàng trăm người nhưng chưa xuất được ai đi.
VNG Education 21 cho biết đã nộp giấy phép dạy tiếng Đức với Sở Giáo Dục & Đào Tạo TP.HCM, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa dạy khóa nào, công ty hoàn toàn mới. Shark Phú là người đầu tiên rút, quyết định không đầu tư vì không thuộc hệ sinh thái mong muốn đầu tư, mô hình doanh nghiệp còn quá sơ khai chưa khẳng định được gì.
Đáng chú ý, Shark Bình bất ngờ tuyên bố “tôi chốt deal luôn”. Theo vị cá mập giải thích, đây là một deal đặc biệt nên sẽ đầu tư vào startup phi chuyển đổi số. Nhưng vì startup chưa có gì nên Shark Bình đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 50%.
Shark Liên và Shark Hưng tiếp tục chỉ ra những thực tế về câu chuyện xuất khẩu lao động sang Đức: học tiếng Đức rất khó; nhu cầu sang Đức rất cao nên đã có người đánh đổi mạng sống để sang Châu Âu mà không thông qua những thủ tục pháp lý giữa hai quốc gia; các thủ tục, giấy phép cần đảm bảo hiện nay và các vấn đề hậu cần khác.
Nhà sáng lập VNG Education 21 cho biết, hiện công ty có đối tác là một văn phòng luật, lo pháp lý và hợp đồng cũng như hỗ trợ lao động định cư hai năm sau khi làm việc. Ngoài ra, năm 2020 vừa qua, chính phủ Đức đã cấp cho Việt Nam loại visa: chỉ cần có bằng lao động nghề và chứng chỉ tiếng Đức A2 hoặc B1 là đã có thể sang Đức làm việc.
Về mô hình giáo dục, ông Phú Thịnh cho biết công ty mình xây dựng mô hình giáo dục tập trung, khép kín hoàn toàn, như mô hình trại hè quân đội. Người lao động sẽ được học từ sáng tới tối về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp.
“Tụi em tin rằng, những bạn lao động người Việt Nam sẽ là những đại sứ quan trọng nhất đưa hình ảnh của người Việt Nam, đưa thái độ làm việc của người Việt Nam ra. Từ đây thị trường sẽ mở rộng cho nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam”, ông Phú Thịnh nói.
Nhận định startup chưa hoàn thiện được khâu trung gian, các thủ tục pháp lý để có được giấy phép xuất khẩu lao động; bản thân doanh nghiệp cũng còn quá mới nên Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Do quỹ đầu tư niêm yết bên Đức, làm việc với chính quyền Đức nhiều năm về vấn đề công nghệ nên khi startup nói về việc đầu tư công nghệ giữa hai nước, Shark Louis rất quan tâm. Chính vì vậy, dù nhận định startup còn “non” nhưng Shark Louis vẫn muốn cho VNG Education 21 một cơ hội để thuyết phục, Shark Louis muốn startup nói về điểm khác biệt của mình và dự toán bài toán tài chính trong vòng vài năm tới.
“Tụi em làm chương trình này cũng bởi vì sau sự kiện ở Anh vừa qua, nhu cầu xuất khẩu lao động của người Việt Nam lớn và họ sẵn sàng đánh đổi để được cơ hội đổi đời đó. Tụi em làm để cho người ta một con đường đi thật sự chính thống và hiệu quả. Và chương trình này sẽ là cơ hội tốt cho những bạn không có cơ hội vào Đại Học, hoặc những nhân lực chất lượng cao bị mất việc do đại dịch COVID-19. Việc này có thể được đảm bảo tương lai cho các bạn trẻ, đảm bảo tương lai cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Phú Thịnh chia sẻ.
Về bức tranh tài chính, trong năm 2021, VNG Education 21 đặt mục tiêu thu được 2000 hồ sơ ứng viên, năm đầu tiên sẽ đào tạo và hỗ trợ được cho 200 hồ sơ sang Đức.
Mỗi một hồ sơ, startup sẽ thu 10.000 EUR, trong đó, 7000 EUR là phí dịch vụ, 3000 EUR là thù lao của nhà tuyển dụng, lợi nhuận sẽ là 2000 EUR. “Với 200 hồ sơ thì lợi nhuận cho năm đầu là 400.000 EUR. Năm 2022, đưa 1800 hồ sơ còn lại sang Đức. Lợi nhuận hướng tới cho năm 2022 là 3,6 triệu EUR”, ông Phú Thịnh vẽ ra bức tranh tài chính khá đẹp, ngoài ra startup chia sẻ 2/3 hồ sơ đều là điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Vì đã tạo cơ hội “cho những bạn không có cơ hội vào đại học, giúp cho các bạn ấy có được một cái nghề và một thu nhập tốt”. Mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam có công ăn việc làm nên Shark Liên rất hào hứng và vị cá mập đưa ra đề nghị cùng Shark Bình và Shark Louis đầu tư cho VNG Education 21 nhưng với điều kiện startup phải cam kết được những gì đã nói.
Shark Bình đưa ra đề nghị mới, 49% cho 3 Shark (các Shark sẽ vào cùng một số tiền như nhau), trong đó Shark Liên 17%, Shark Bình và Shark Louis mỗi người 16%. Sau một thời gian suy nghĩ, VNG Education 21 đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 30% cổ phần (mỗi Shark 10%).
Shark Bình đưa ra đề nghị cuối cùng 3 tỷ cho 45%, mỗi Shark 15% và startup đã chấp nhận đề nghị này. Sau khi gọi vốn thành công, 2 đại diện của VNG Education 21 cũng bày tỏ sự bất ngờ và niềm hạnh phúc khi kêu gọi được 3 Shark cùng nhau đầu tư và cả hai tin đây sẽ là động lực để doanh nghiệp của mình cố gắng hơn nữa.