|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup đồ uống healthy mở hai điểm đóng một, trả lời lòng vòng khiến hội đồng Shark Tank lắc đầu ngao ngán

07:15 | 21/06/2021
Chia sẻ
"Lên Shark Tank phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao, cộng với năng lực của founder có thể thực hiện kế hoạch đó. Nếu không có thì đừng lên Shark Tank, chấm hết!", Shark Bình đưa ra lời khuyên.

Startup chăm chăm gọi vốn vào sản phẩm healthy nhưng không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, Shark giải thích nhiều lần vẫn chỉ trả lời vòng vo và cười trừ.

"85% thực phẩm chúng ta nạp vào hàng ngày là thực phẩm công nghiệp. Nó dẫn tới các vấn đề về sức khỏe, hơn 65% người dân thành thị gặp phải các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa...", CEO Nguyễn Thị Như Ngọc mở đầu màn gọi vốn cho thương hiệu đồ uống healthy, 100% nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng đường sữa, chất bảo quản - Luminus tại Shark Tank Việt Nam mùa 4. Mức giá mà bà Ngọc Nguyễn đưa ra là 4,5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

"Sản phẩm trông có vẻ đơn giản, ai mà chả làm được. Thậm chí, nếu ở nhà có cái máy sinh tố và đọc công thức trên mạng thì sẽ làm được thôi?", Shark Nguyễn Hòa Bình nói. Bà Ngọc thì cho rằng sản phẩm của Luminus khác biệt ở chỗ họ có định lượng dành riêng cho mỗi cá nhân.

Startup chăm chăm gọi vốn vào sản phẩm healthy nhưng không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, Shark giải thích nhiều lần vẫn chỉ trả lời vòng vo và cười trừ - Ảnh 1.

Startup Luminus đến gọi vốn theo một cách mơ hồ và không hiểu rõ mong muốn của nhà đầu tư. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

"Thế bây giờ bọn em vẫn làm thủ công như này hả?", Shark Nguyễn Xuân Phú thắc mắc. Vị cá mập dành sự quan tâm đến mô hình kinh doanh, năng suất lao động và tính quy mô trong quá trình sản xuất. "Nếu chúng ta làm thủ công như này thì việc duy trì ổn định chất lượng là rất khó", Shark Phú nói. Ông cho rằng việc nhân rộng mô hình này lên mà vẫn giữ được chất lượng là cả một vấn đề khó.

Shark Phạm Thanh Hưng cũng tham gia đặt câu hỏi, vị cá mập muốn biết điều gì tại ra giá trị của sản phẩm: Bí quyết công nghệ? Công thức đặc biệt hay thứ nguyên liệu độc quyền?... "Giá trị mà bạn tạo ra trong sản phẩm này là gì?", Shark Hưng nói.

CEO Ngọc Nguyễn cho rằng Luminus có công thức riêng và được cân bằng giá trị dinh dưỡng đặc biệt, tối ưu hóa công dụng. Tuy nhiên, nữ CEO liền bị Shark Hưng bắt bẻ rằng những công thức làm đồ uống này quá dễ, mọi người đều có thể tìm thấy ở trên mạng internet và những cái startup đưa ra khó mà thuyết phục.

Shark Phú tiếp lời: "Nếu nhân viên của em học được công thức và họ dùng nó để mở được quán khác thì phải làm như thế nào?" CEO Ngọc Nguyễn liền chia sẻ về hành trình 4 năm khởi nghiệp với hơn 60 loại đồ uống sinh tố, nước ép tốt cho sức khỏe. Bà cho rằng mình hiểu được khách hàng và tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề từ bên trong của họ.

Shark Đỗ Liên liền cắt lời. Bà muốn CEO cho bà lý do vì sao bà cần phải đi mua sản phẩm của Luminus trong khi bản thân thừa sức làm được. Ngoài ra, vị cá mập cũng muốn biết mục đích gọi vốn của startup là gì.

Bà Ngọc Nguyễn cho biết Luminus muốn gọi vốn để xây dựng hệ thống điểm bán, phục vụ đồ uống healthy cho người dân thành thị và dân văn phòng. Điểm bán sẽ được đặt ở trung tâm thành phố và có thể cung ứng nhanh cho những người bận rộn, sản phẩm được bán cả online lẫn offline.

Shark Liên nghe xong liền đưa ra quyết định từ chối đầu tư. Bà cho rằng những công thức healthy, detox ở trên mạng có thể dễ dàng tìm kiếm và rất khó để thẩm định. Vị cá mập cũng cho rằng ai cũng có thể làm được sản phẩm này với một chiếc máy sinh tố, vì thế bà liền chốt không đầu tư.

Startup chăm chăm gọi vốn vào sản phẩm healthy nhưng không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, Shark giải thích nhiều lần vẫn chỉ trả lời vòng vo và cười trừ - Ảnh 2.

CEO Ngọc Nguyễn không thể trả lời đúng ý mà hội đồng đầu tư thắc mắc. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Shark Phú tiếp tục phân tích mô hình kinh doanh của Luminus, ông hỏi lý do vì sao startup cần gọi vốn? Bà Ngọc nói rằng mình đang muốn phát triển các bốt bán hàng, cung cấp đồ uống tại nhiều điểm. "Vậy em quản lý nhân viên như thế nào? Họ có thể mua trái cây rồi bán, thu tiền luôn và không báo cáo về cho em thì lúc đó tính sao?", Shark Phú tiếp tục hỏi.

Shark Phú tiếp tục phân tích rằng nhân viên của Luminus rõ ràng là phải thuộc công thức rồi nhưng khi mình tự quản lý thì sẽ khác hoàn toàn với khi mở ra 1000 điểm bán, vậy khi đó startup có cách gì để quản lý tất cả?

CEO Ngọc Nguyễn cho rằng mô hình kinh doanh hay bí quyết nào cũng có thể sao chép được, không riêng gì mô hình của Luminus. Tuy nhiên, Shark Phú lại không đồng tình với điều đó, ông liền lấy ví dụ về McDonald's hay KFC, khi quản lý chuỗi thì người ta phải nắm giữ một số bí quyết như bếp trung tâm... tức là chuỗi phải kiểm soát được đầu vào đầu ra.

"Như em bây giờ, tự người ta có thể mua trái cây tại điểm bán và tự xay bán thì khả năng quản lý khi nhân rộng sẽ gặp vấn đề.", Shark Phú nhận định.

Cảm thấy startup vẫn chưa hiểu ý của Shark Phú. Các cá mập tiếp tục đặt câu hỏi để làm rõ cho Luminus. Shark Louis Nguyễn muốn CEO lấy ví dụ về một mô hình tương tự đã thành công. Bà Ngọc ngay lập tức chia sẻ rằng Luminus đã có sự thành công nhất định nên mới trụ đến năm thứ 4. Nhưng, Shark Phú lại phải giúp CEO Ngọc Nguyễn hiểu rằng cái nhà đầu tư quan tâm ở đây là sự thành công khi nhân rộng mô hình chứ không phải là sự thành công ở 1 - 2 điểm bán.

"Cái mà anh nói ở đây là nếu em mở điểm bán thứ 100 thì em có cách nào để quản lý trưởng quầy của em?", Shark Phú hỏi thêm một lần nữa nhưng startup vẫn chưa thể đưa ra giải pháp.

"Bây giờ có mấy điểm bán rồi?", Shark Bình hỏi. Bà Ngọc cho biết Luminus có 2 điểm bán nhưng hiện đã đóng 1 điểm do dịch bệnh COVID-19.

"Cuộc đời giờ phải nói chuyện bằng kết quả", Shark Hưng cho rằng để đánh giá thì nên nhìn vào kết quả kinh doanh trước mùa dịch. Bà Ngọc Nguyễn cho biết Luminus kinh doanh đang tốt từ dịch năm ngoái đến hiện tại. Mức tăng trưởng từ 12% lên đến 15%. Doanh thu một điểm bán trong một năm là hơn 3,6 tỷ đồng, lãi hơn 300 triệu đồng.

"Như thế này thì cần gì mở thêm điểm bán? Có 2 điểm thì đóng mất 1 điểm rồi?", Shark Phú tò mò. CEO Luminus cho biết bà cần vốn để mở rộng các bốt bán hàng. Một điểm bán như vậy cần đầu tư 300 triệu đồng.

Hỏi mãi nhưng vẫn chưa thể khai thông vấn đề cho startup, Shark Phú nói rằng mô hình này làm đồ tươi thì rất khó để nhân rộng mô hình, chưa kể đến việc kiểm soát chất lượng là vấn đề khá đau đầu nên ông quyết định không đầu tư.

CEO Ngọc Nguyễn tiếp tục chia sẻ nguyện vọng muốn lan rộng đồ uống healthy cho chị em văn phòng bận rộn. Song, điều này khiến Shark Liên không hài lòng, bà không khuyến khích các chị em vì bận mà không thể xay được ly sinh tố để uống vì bà còn bận rộn hơn nhưng vẫn có thể làm được.

Sau ý kiến của Shark Liên, ông Phạm Thanh Hưng cũng theo bước các Shark từ chối đầu tư vì ông đã đặt ra câu hỏi đến hai lần nhưng startup không thể trả lời được. Chưa kể, ông còn khuyên startup vẫn sống khỏe với 300 triệu lợi nhuận/năm thì không cần phải nhân rộng làm gì. Shark Louis dù quan tâm đến vấn đề sức khỏe nhưng cũng khó lòng xuống tiền với trường hợp này, vị cá mập từ chối đầu tư.

"Cảm quan về mặt kinh doanh thì em rất là non và xanh. Em nên nhớ là em đang gọi vốn làm chuỗi thì vấn đề ở đây là năng lực quản lý, quản trị chứ không phải là sản phẩm, kể cả em bán nước đường có gas nhưng em quản lý tốt thì chuỗi của em có thể bán ra toàn thế giới", Shark Bình nhận xét. Vị cá mập cũng từ chối đầu tư.

Thùy Trang