|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Founder Telio Bùi Sỹ Phong bị thua kiện công ty cũ vì thiếu trung thực, buộc phải chuyển cổ phần về OnOnPay

13:43 | 18/06/2021
Chia sẻ
Ông Bùi Sỹ Phong bị xử thua trong vụ kiện với các nhà đầu tư OnOnPay (OOPA). Ông được yêu cầu chuyển giao cổ phần trong startup thương mại điện tử B2B cho các nhà đầu tư OOPA.

Toà án Tối cao Singapore mới đây yêu cầu ông Bùi Sỹ Phong, người sáng lập và CEO công ty khởi nghiệp thương mại điện tử B2B Telio, phải chuyển cổ phần của Telio về công ty trước đây là OnOnPay (OOPA), Tech in Asia đưa tin.

Toà án cũng trao phần án phí tương đương 174.000 USD cho OOPA. Trong vụ việc này, cá nhân ông Bùi Sỹ Phong phải chịu trách nhiệm cho các khoản phí phạt thay vì công ty Telio bởi ông Phong có vai trò là bị cáo.

Startup TMĐT B2B lớn tại Việt Nam vướng lùm xùm pháp lý, CEO thua kiện ở Indonesia - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Phong, người sáng lập và CEO Telio, một startup Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B. (Ảnh: Tech in Asia).

Toà án đã đưa ra các bằng chứng cho thấy ông Bùi Sỹ Phong "đã không hành động một cách trung thực hoặc hợp lý". Dù vậy, ông Phong có quyền kháng cáo quyết định trước toà. Bản án dàu 38 trang được đưa ra vào ngày 16/6 cho một vụ kiện kéo dài gần 2 năm giữa một bên là ông Phong và một bên là OOPA.

Hội đồng quản trị OOPA cáo buộc ông Bùi Sỹ Phong vi phạm các nghĩa vụ uỷ thác trong vai trò giám đốc bằng cách chiếm đoạt các cơ hội kinh doanh và sử dụng nguồn lực của OOPA – bao gồm mạng lưới nhà bán hàng, nguồn nhân lực và quyền sở hữu trí tuệ - để phát triển startup tiếp theo của mình, Telio.

Toà án đồng thời kết luận rằng ông Bùi Sỹ Phong đã không trung thực với các nhà đầu tư trước đây khi theo đuổi ý tưởng kinh doanh cho dự án Telio. "Đây không phải là việc ông Phong cho các nhà đầu tư OOPA cổ phần miễn phí trong Telio mà vấn đề là Telio thuộc về OOPA", bản án viết.

Theo thông tin từ toà án, ông Phong từng tìm kiếm sự chấp nhận từ các thành viên hội đồng của OOPA để thành lập Telio như một pháp nhân mới. Sau đó, ông Phong tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng và "dựa vào lịch sử hoạt động đã được chứng minh" để nói rằng công ty mới của ông được OOPA bảo lãnh.

Dù vậy, các nhà đầu tư OOPA hoàn toàn không được biết đến quá trình gọi vốn. "Trong khi ông Phong né tránh câu trả lời trong cuộc kiểm tra chéo, ông thừa nhận đã không thông báo cho OOPA khi đàm phán với Surge. Telio ký hợp tác đầu tư với Surge vào ngày 19/3/2019", toà án viết. Surge là một quỹ đầu tư tăng tốc của công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Ấn Độ.

Do ông Phong "bí mật thực hiện một thỏa thuận với các nhà đầu tư mới, anh ta phải chịu trách nhiệm về khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm của mình," thẩm phán nêu ra.

Thẩm phán cho rằng OOPA được quyền sở hữu cổ phần của Telio vì vì doanh nhân đã nắm giữ công ty "dựa trên niềm tin dành cho OOPA".

Một startup với nhiều nhà đầu tư lớn

Lùm xùm pháp lý giưa OOPA và Telio đã được Tech in Asia chia sẻ từ tháng 7/2020. Sai Kit Ng, người đứng đầu Captii Ventures Đông Nam Á, nói rằng động thái pháp lý "là để bảo vệ quyền lợi của OOPA và cuối cùng là những người cho vay cũng như cổ đông của công ty".

Ng là giám đốc OOPA kể sau khi Captii Ventures tham gia hai vòng đàu tư của startup này. Theo hồ sơ pháp lý năm 2020, nhà đầu tư OOPA yêu cầu được nhận 100% cổ phần trong pháp nhân Telio ở Singapore.

Năm 2019, Telio nhận được 25 triệu USD trong vòng đầu tư series A do Tiger Global Management. Vòng đầu tư này còn có thêm sự tham gia của Sequoia India, GGV Capital, và RTP Global. Thời điểm đó, định giá của Telio vươn qua mốc 100 triệu USD.

Trước đó, Telio cũng nhận được 1,5 triệu USD đầu tư khi tham gia vào chương trình Surge.

Bùi Sỹ Phong là một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ông thành lập startup công nghệ tài chính OnOnPay (ví điện tử và dịch vụ nạp tiền điện thoại) vào năm 2014. Nền tảng này hiện không còn hoạt động.

Sau đó, OOPA được lập ra ở Singapore như một đơn vị sở hữu OnOnPay. Đến tháng 6/2020, ông Bùi Sỹ Phong ngỏ ý muốn giải quyết vấn đề với các nhà đầu tư OOPA song họ không đồng ý, Tech in Asia viết. Theo một hồ sơ pháp lý, ông Bùi Sỹ Phong đang nắm 67,7% cổ phần Telio.

Nam Khánh