|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

60 triệu USD chảy vào một startup cung cấp internet ngoài không gian

07:50 | 16/06/2021
Chia sẻ
Sau khi nhận thêm vốn, startup của Canada dự kiến đưa hơn 200 vệ tinh vào quỹ đạo để mạng internet ngoài không gian hoạt động đầy đủ vào năm 2023.

Kepler Communications là một công ty đang xây dựng mạng internet vệ tinh cho dịch vụ bên ngoài Trái đất. Startup này đã huy động 60 triệu USD trong một vòng gọi vốn mới để phát triển mạng lưới hạ tầng, bao gồm cả việc mở rộng ở Mỹ.

"Chúng tôi không bán dịch vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp ở trên Trái đất, chúng tôi tập trung vào việc cung cấp thông tin liên lạc tới các trạm vũ trụ, đến các vệ tinh khác, để cho phép họ đưa thông tin trở lại Trái đất trong thời gian thực", CEO Kepler Mina Mitry chia sẻ về mô hình kinh doanh với CNBC .

Vòng rót vốn trên được dẫn dắt bởi Tribe Capital, công ty trước đây đã đầu tư vào các doanh nghiệp vũ trụ Relativity và Momentus. Như vậy, Kepler Communications hiện đã mang về tổng cộng 90 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2015.

60 triệu USD rót vào công ty cung cấp internet ngoài không gian - Ảnh 1.

Một loạt vệ tinh GEN1 đã sẵn sàng để phóng lên không gian. (Ảnh: Kepler Communications).

Startup đang có kế hoạch để đưa hơn 200 vệ tinh vào quỹ đạo để mạng lưới của họ hoạt động đầy đủ vào năm 2023. Các vệ tinh của Kepler có kích thước "gần bằng một hộp ngũ cốc", quay quanh Trái đất theo những quỹ đạo thấp chạy từ cực Bắc đến cực Nam cứ sau 90 phút. 

Công ty có 15 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo và đang chế tạo các vệ tinh tại trụ sở chính ở Toronto (Canada) với tốc độ hơn 10 vệ tinh mỗi tháng. Ông Mitry cho biết, nhờ các vệ tinh đã có trên quỹ đạo, Kepler đang tạo ra doanh thu trong khoảng hàng triệu USD ngay cả trước khi hệ thống mạng của họ hoạt động hoàn toàn.

Trong khi một số công ty đang xây dựng hệ thống mạng internet vệ tinh mới cho những người sống trên Trái đất, chẳng hạn như Starlink của SpaceX, Kepler đang tạo ra một dịch vụ cho mọi thứ bên ngoài quả địa cầu. Mitry lưu ý rằng, mạng của Kepler sẽ là mạng đầu tiên do một công ty xây dựng, tương tự như Vệ tinh Theo dõi và Chuyển tiếp Dữ liệu (TDRS) của NASA nhưng "không già cỗi như TDRS".

Ông Mitry tự tin rằng: "Chúng tôi sẽ trở thành giải pháp thay thế thương mại sẵn sàng phục vụ trong thời gian tới".

60 triệu USD rót vào công ty cung cấp internet ngoài không gian - Ảnh 2.

Kỹ thuật viên vệ tinh cao cấp Chris Summers hoàn thành các bước kiểm tra cuối cùng trước chuyến bay của các vệ tinh Kepler-16 và Kepler 17. (Ảnh: Kepler Communications).

Mục tiêu của Kepler là kết nối với vệ tinh hình ảnh hoặc trạm vũ trụ, sau đó "chuyển thông tin đó trở lại Trái đất. Dịch vụ này biến không gian trở thành nơi có thể đáp ứng thêm nhiều nhu cầu cho số lượng người rất lớn, mở ra cánh cửa mới cho du lịch vũ trụ. 

Mitry tin tưởng vào nhu cầu thực tế của dịch vụ trên và đã quyết định tăng gấp đôi số nhân viên kể từ khi thành lập. Công ty có khoảng 80 nhân viên vào đầu năm 2021 và dự kiến sẽ có khoảng 150 nhân viên vào cuối năm nay.

Sự phát triển của Kepler sẽ bao gồm mở rộng dịch vụ thêm bên ngoài Canada, thành lập văn phòng tại Mỹ. CEO cho biết, startup vẫn chưa cam kết chính thức về một địa điểm, nhưng văn phòng có thể sẽ đặt tại Washington DC.

Trọng tâm của văn phòng này là mở rộng quy mô cho các khách hàng chính phủ có trụ sở tại Mỹ. Đại diện Kepler cho rằng đội ngũ khá may mắn vì dù là một công ty Canada nhưng vẫn nhận khá nhiều cơ hội của chính phủ Mỹ. "Chúng tôi muốn tiếp cận gần nhất với khách hàng của mình để hỗ trợ họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ phát triển cả doanh số bán hàng, tiếp thị và các dịch vụ kỹ thuật", ông Mitry cho biết.

Y Khải

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.