Startup kết nối khách hàng với IT Support, tự so sánh mình như TeamViewer, Uber được Shark Bình dốc tiền túi cho đi thi Shark Tank Mỹ
Tập 7 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" có sự xuất hiện của một startup công nghệ, công ty CTCP E Link Gate - xây dựng nền tảng giúp xử lý mọi sự cố công nghệ thông tin từ xa cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng, sáng lập kiêm giám đốc E Link Gate chia sẻ anh đã có ý tưởng này cách đây 10 năm. Năm 2016, ý tưởng được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và Việt Nam. Đến năm 2019, dòng sản phẩm đầu tiên E Link Me được thương mại hoá dưới sự đầu tư của một Việt kiều người Canada.
Giải pháp kết nối IT Support với người dùng
Theo chia sẻ từ người đứng đầu, công ty đã thiết kế ra một thiết bị phần cứng (E Link Me - một chiếc USB) để khi sản phẩm của khách hàng bị lỗi phần mềm, chỉ cần cắm USB vào và thiết bị sẽ tự động kết nối lên đám mây. Sau đó, E Link Gate sẽ giúp khách hàng kết nối với một IT để chuyên gia đó có thể điều khiển máy, khắc phục sự cố.
Khác với TeamViewer là chỉ chạy khi có hệ điều hành còn giải pháp của E Link Gate có thể chạy không cần hệ điều hành, khi máy hỏng hoàn toàn và cài đặt lại Windows từ xa.
"Sự khác biệt của E Link Gate với các giải pháp khác trên thế giới đó là khách hàng có thể giải quyết mọi sự cố phần mềm từ lỗi hư hệ điều hành đến hư hệ thống mạng,… chỉ bằng một thao tác chạm", vị CEO chia sẻ.
Đồng thời, E Link Gate cam kết dữ liệu trong máy người dùng sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. "Dữ liệu trên máy khách hàng không thể bị đánh cắp, thậm chí với chính chuyên gia đang xử lý sự cố", anh Hoàng khẳng định.
Hiện E Link Gate đã có khách hàng tại Việt Nam, một số khác ở Nhật Bản, Ấn Độ, Đức và Canada. Riêng với thị trường trong nước, theo chia sẻ từ người đứng đầu, công ty đã có hợp đồng bán sản phẩm với hai ngân hàng và 4 ngân hàng khác đang trong quá trình thử nghiệm.
Ngoài ra, một trung tâm tiếng anh muốn đặt 2.000 sản phẩm E Link Me để cung cấp cho khách hàng của họ và một khách hàng ở Ấn Độ đã liên lạc với công ty hai năm liên tục để hỏi về thời điểm thương mại hoá, mong muốn làm đại lý ở thị trường này.
"Đại dịch COVID-19 xu hướng làm việc từ xa ngày càng tăng cao, tôi thấy đây là cơ hội để tiến ra thị trường thế giới, hoàn thiện sản phẩm mà chúng ta gọi là Uber IT Support với doanh số tiềm năng vài tỷ đô mỗi năm", người đứng đầu startup này tự tin dự báo.
Định giá công ty 5 triệu USD, tự so sánh mình với TeamViewer, Uber
Với ý tưởng startup trên, anh Nguyễn Xuân Hoàng đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 400.000 USD cho 7% cổ phần. Tức định giá E Link Gate ở mức 5,3 triệu USD.
Giải thích mức định giá này, vị CEO cho biết công ty đã sử dụng mô hình đánh giá với các doanh nghiệp tương đương trong khu vực. Cụ thể doanh số của TeamViewer năm 2020 là 500 triệu USD, giá thị trường 10 tỷ USD thì hệ số nhân là 20. "Với E Link Gate từ 3 khách hàng cụ thể và doanh số năm 2020 thì mình nhân với con số 14 là ra", anh Hoàng cho hay.
Trên hồ sơ kinh doanh, vốn đầu tư của E Link Gate là 14 tỷ, trong đó 5 tỷ là định giá bằng sáng chế, 9 tỷ là thực tế tiền mặt bỏ vào. Năm 2020 công ty đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng và đã lỗ luỹ kế 9 tỷ đồng. Dự báo năm 2021, doanh thu E Link Gate đạt 10 tỷ USD.
Nhận xét về cách định giá này, shark Bình cho rằng khá khập khiễng bởi TeamViewer tiếp cận thị trường hàng chục triệu người dùng trên thế giới và là các người dùng cuối, trong khi E Link Gate tiếp cận thông qua doanh nghiệp.
Shark Hưng lại cho rằng 500 triệu USD doanh thu của TeamViewer là có thật trong khi 10 tỷ đồng của E Link Gate vẫn đang nằm trên giấy. Founder E Link Gate giải thích rằng vì thế công ty mới chỉ nhân hệ số 14, chứ không phải 20 như TeamViewer.
"Mô hình này cũng có thể nhân lên toàn cầu, cứ mỗi chiếc laptop bán ra sẽ tặng kèm một USB", anh Hoàng trả lời cho thắc mắc của shark Bình.
Shark Bình hứa dốc ví cho startup tham gia Shark Tank Mỹ
Hiện công ty đang có hai mô hình kinh doanh, bán phần cứng E Link Me và bán dịch vụ cho các công ty IT Support. Mức giá bán hệ thống E Link Me cho doanh nghiệp là 249 USD và dự kiến 30 USD cho khách hàng cá nhân.
Đối với 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, E Link Gate nhận định mức giá này hơi cao, do đó công ty triển khai mô hình cho thuê hoặc là tất cả các công ty mới thành lập sẽ được mua một gói dịch vụ 10 triệu đồng gồm một thiết bị và một support trong vòng một năm.
CEO E Link Gate chia sẻ hiện chi phí sản xuất USB đang chiếm tới 70% giá bán sản phẩm và 10 tỷ đồng doanh thu dự kiến hoàn toàn đến từ mảng bán thiết bị, chưa tính dịch vụ. Shark Bình nói rằng công ty phải chuyển mô hình kinh doanh, đừng tự hào startup chất xám Việt thì sản phẩm phải sản xuất tại Việt Nam.
"Điều này không cần thiết. Nhưng người đứng đầu ở chuỗi dịch vụ phải là người Việt Nam, kiếm tiền từ dịch vụ", ông Bình nhấn mạnh. "Phải bán phần cứng với giá rất thấp nhưng phải xây dựng được đội ngũ Cloud Service đằng sau để support cho khách hàng."
Ông Bình cho biết bản thân ông rất thích các sản phẩm mới, đi đầu. "Tôi nghĩ sản phẩm này nếu đúng như anh nói có sáng chế và khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường. Tôi băn khoăn khả năng sản phẩm có thể mang lên Shark Tank Mỹ, thị trường có khả năng lan rộng ra toàn cầu sẽ tốt hơn bởi thông thường những sản phẩm công nghệ mới được bày bán tại Trung Quốc hoặc Mỹ thì cái khả năng lan ra rất nhanh", vị cá mập này chia sẻ.
Do đó, shark Bình quyết định đầu từ 100.000 USD cho 10% cổ phần và 300.000 USD còn lại sẽ có KPI đề xuất ra cổ phần trong mức định giá. Đồng thời sẽ hỗ trợ một phần ngân sách để startup có cơ hội xuất hiện trong Shark Tank Mỹ.
"Nếu đúng như anh nói thì nó xứng đáng có ảnh hưởng toàn cầu", ông Bình chia sẻ.
Trong khi đó, các shark còn lại đã từ chối đầu tư vào E Link Gate. Mặc dù không đúng như ý định ban đầu, nhưng cuối cùng CEO E Link Gate cũng chấp nhận bắt tay hợp tác với shark Bình. Anh kỳ vọng trong thời gian tới có thể mang sản phẩm ra thế giới.