Vũng vịnh (Bay) là gì? Vai trò kinh tế của vũng vịnh
Vũng vịnh (Bay)
Vũng vịnh - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Bay hoặc Gulf.
Vũng vịnh được hiểu như những phần biển nằm trong một vùng lõm của đường bờ biển có kích thước to, nhỏ khác nhau, là nơi hàng ngày diễn ra các hoạt động sống của cư dân ven biển. (Theo National Geographic)
Thông tư 23/2010/TT-BTNMT qui định: "Vũng vịnh là một phần của biển lõm vào lục địa hoặc do đảo chắn tạo thành một vùng nước khép kín ở mức độ nhất định mà trong đó động lực biển thống trị, nằm trong dải bờ biển, được giới hạn ở độ sâu không quá 6 m khi triều kiệt."
Vai trò của vũng vịnh
Tuy chỉ chiếm một diện tích nhỏ của đất liền (khoảng 1,1%) và của vùng biển (0,4%), nhưng vũng vịnh lại có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiên nhiên và trong sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Chính vì vậy trên thế giới, vũng vịnh thường trở thành những căn cứ quan trọng về quốc phòng, giao thông vận tảỉ, những trung tâm phát triển kinh tế biển hàng đầu ở mỗi quốc gia.
Trong vùng biển ven bờ , với các nguồn động lực bờ, vũng vịnh tham gia quan trọng vào biến động của môi trường biển ven bờ, đặc biệt là hiện tượng xói lở, tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên, điều kiện sinh thái môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên ở các vũng vịnh.
Về mặt an ninh quốc phòng, vũng vịnh được coi như cửa mở hướng ra biển, có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, cũng như giao tiếp với thế giới bên ngoài bên cạnh đường hàng không.
Vũng vịnh còn ở tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Với tài nguyên hải sản, các vũng vịnh thường là các trung tâm hoạt động nghề cá biển quan trọng ở mỗi nước.
Đây là nơi neo đậu an toàn của các đoàn tàu cá, điểm xuất phát đánh bắt và nơi thu nhận sản phẩm từ các ngư trường xa gần, nơi trú ẩn tránh bão.
Trên bờ các vũng vịnh thường có các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản. vũng vịnh còn là môi trường nuôi trồng hải sản thích hợp, ngày càng được tận dụng, đặc biệt là phát triển kĩ thuật nuôi giàn, nuôi lồng trong vùng nước yên tĩnh của vũng vịnh.
Tiềm năng du lịch cũng là thế mạnh lớn của các vũng vịnh ngày càng được đẩy mạnh khai thác.
Với điều kiện thích hợp cho sự hình thành các cảnh quan có giá trị du lịch, đặc biệt là các rạn san hô dưới vịnh, các khu rừng, hang động trên bờ vịnh, các bãi tắm tốt ven bờ vịnh, các đảo nhỏ ven bờ là các tài nguyên du lịch biển có giá trị quốc gia và quốc tế của mỗi nước đang được chú trọng khai thác.
Ngoài tài nguyên sinh vật, cũng cần nói đến tài nguyên khoáng sản, như cát thuỷ tinh, vật liệu xây dựng, mĩ nghệ, sa khoáng ti tan… cũng là những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác.
Những tiềm năng về nhiều mặt của các vũng vịnh nói trên, là những điều kiện và nguyên nhân dẫn tới sự hình thành, phát triển ở mỗi vũng vịnh các đô thị, các thành phố, các khu dân cư, các khu công nghiệp nhiều khi rất lớn để phục vụ cho các hoạt động khai thác, sử dụng, quản lí. (Theo Viện khoa học và công nghệ Việt Nam)