|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ án Phạm Công Danh: Bị thu hồi hơn 1.600 tỉ đồng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến BIDV

13:15 | 18/12/2018
Chia sẻ
Luật sư bảo vệ quyền lợi của BIDV cho rằng, việc thu hồi này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của BIDV mà còn kéo theo rất rất nhiều những hệ lụy đối với các giao dịch liên quan đến khách hàng vay và tài sản bảo đảm sau khi đã được giải chấp.

Thu hồi hơn 1.600 tỉ đồng từ BIDV là không có cơ sở

Sáng 18/12, TAND Cấp cao TP HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

vu an pham cong danh bi thu hoi hon 1600 ti dong se gay anh huong nghiem trong den bidv
Các bị cáo tại tòa.

Tranh luận quan điểm của Viện kiểm sát, luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho BIDV cho biết, là Chủ tịch HĐQT của cả VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, ông Phạm Công Danh đã chủ động chỉ đạo các lãnh đạo và nhân viên của VNCB thực hiện hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho chính ngân hàng của mình là VNCB.

Giữa hành vi vi phạm của Phạm Công Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả; BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của bị cáo.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền 1.836 tỉ đồng, trong đó có số tiền hơn 1.600 tỉ đồng cho BIDV là của chính Phạm Công Danh đã tự nguyện cam kết chịu trách nhiệm tại phiên tòa trong phần thẩm vấn.

Theo LS, việc án sơ thẩm đã quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng tối tượng, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và không thỏa đáng. LS cho rằng ở đây có sự lẫn lộn về khách thể giữa nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với nhóm tội sở hữu.

Hoạt động tín dụng ngân hàng xét về bản chất là hoạt động kinh doanh tiền tệ; do vậy, dòng tiền luôn được luân chuyển, hòa và dòng tiền chung của ngân hàng rồi tiếp tục cấp cho các chủ thể khác nhau với những mục đích khác nhau.

Trên thực tế, số tiền hơn 1.600 tỉ đồng sau khi được Phạm Công Danh trả nợ đã được hòa vào dòng tiền chung của BIDV từ ngày 27/4/2013. Và từ đây, số tiền này lại được lưu thông trên thị trường tiền tệ; BIDV đã sử dụng cho các hoạt động kinh doanh cũng như thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.

Nếu theo quan điểm vật chứng của HĐXX sơ thẩm, trong khi BIDV đã dùng số tiền bây giờ bị coi là vật chứng để nộp cổ tức hoặc đóng thuế cho Nhà nước thì đơn vị phải trả lại số tiền này cho CBBank sẽ là Nhà nước chứ không phải là BIDV.

Do đó, vị LS này cho rằng xét về góc độ pháp lý cũng như góc độ kinh tế thì việc bản án sơ thẩm quyết định buộc BIDV phải trả lại số tiền 1.600 tỉ đồng cho CBBank là hoàn toàn không có cơ sở và không thực tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của BIDV.

Theo LS, quyết định thu hồi số tiền 1.600 tỉ đồng sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng.

BIDV hoàn toàn không biết và không buộc phải biết nguồn gốc số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh dùng để tất toán các khoản vay của BIDV. Do vậy, BIDV được xác định là bên thứ 3 ngay tình và được pháp luật bảo vệ.

LS cho biết thêm, các khoản vay nêu trên đã được BIDV tất toán từ năm 2013 và đồng nghĩa với nó là việc toàn bộ số tài sản đảm bảo bằng bất động sản có giá trị rất lớn của khách hàng vay và của bên thứ 3 đã được giải chấp trả lại cho họ.

Cụ thể, 2 hợp đồng tín dụng vay BIDV tại Sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân của Tập đoàn Thiên Thanh có tổng giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn tổng giá trị khoản vay 2.700 tỉ đồng đã được giải chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu Tòa quyết định thu hồi số tiền 1.600 tỉ đồng đã thu nợ hợp pháp của BIDV thì quyền lợi của BIDV sẽ được bảo đảm như thế nào khi tài sản thế chấp đã được giải chấp từ 5 năm trước.

LS cho rằng, việc này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của BIDV mà còn kéo theo rất rất nhiều những hệ lụy đối với các giao dịch liên quan đến khách hàng vay và tài sản bảo đảm sau khi đã được giải chấp.

CBBank nói gì kháng cáo của BIDV, Agribank, Oceanbank và ông Trần Quý Thanh?

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, có 5/13 tổ chức, cá nhân có trách nhiệm dân sự kháng cáo quyết định của bản án sơ thẩm, gồm BIDV, CTCP quản lý quỹ Lộc Việt, Agribank, Oceanbank và ông Trần Quý Thanh. Tổng số tiền mà các tổ chức, cá nhân này kháng cáo là 1.922 tỉ đồng.

LS bảo vệ quyền lợi cho CBBank cho biết ngân hàng không đồng ý với kháng cáo của các tổ chức, cá nhân về việc không chấp nhận hoàn trả tiền cho CBBank. Nếu các tổ chức, cá nhân này và nhóm tổ chứ cá nhân đã dùng số tiền có nguồn gốc bất hợp pháp để thanh toán nợ mà có tranh chấp về nghĩa vụ trả tiền theo quan hệ, hợp đồng dân sự, họ có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác tại tòa án để giải quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm này, LS vẫn giữ nguyên quan điểm về việc ông Danh thông qua các công ty để ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thực chất là thủ đoạn để ông Danh sử dụng tiền từ 0 ngân hàng theo mục đích riêng của ông Danh, không phả là giao dịch dân sự hợp pháp.

Vì giao dịch bảo đảm chỉ bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự hợp pháp, không thể bảo đảm cho hành vi phạm tội, hành vi trái pháp luật nên các giao dịch bảo lãnh của CBBank cho 29 lượt công ty vay vốn tại 3 ngân hàng là không phát sinh hiệu lực, không có giá trị pháp lý.

Nếu căn cứ vào quan hệ pháp luật để xác định trách nhiệm dân sự, việc 3 ngân hàng thu nợ của các khoản vay bằng tiền gửi của CBBank theo quan hệ bảo lãnh là trái phép nên 3 ngân hàng này phải hoàn trả tiền cho CBBank. Còn những tổ chức, cá nhân lấy tiền từ 3 ngân hàng theo quan hệ cấp tín dụng phải có trách nhiệm hoàn trả cho 3 ngân hàng.

LS cho biết, nếu như HĐXX cấp phúc thẩm không căn cứ vào sự lưu chuyển của dòng tiền để xem xét trách nhiệm dân sự của các tổ chức, cá nhân có liên quan và chấp nhận các kháng cáo dân sự dựa trên mối quan hệ, hợp đồng phát sinh quyền được nhận tiền của họ, LS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm buộc 3 ngân hàng hoàn trả cho CBBank số tiền họ đã thu của ngân hàngvà xem xét trách nhiệm hoàn trả cho 3 ngân hàng của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Đổ lỗi cho hoàn cảnh của ông Phạm Công là không chính xác

Đối đáp của nội dung kháng cáo của ông Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai, luật sư bào chữa cho bà Phấn cho biết, quan điểm đổ lỗi cho hoàn cảnh – bối cảnh chính dẫn đến hành vi phạm tội của ông Phạm Công Danh là do bà Hứa Thị Phấn là không chính xác, không phản ánh đúng bản chất khách quan, toàn diện của sự thật liên quan đến vụ án.

Theo phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín của nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh đã được NHNN phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ đồng ý, theo đó để được sở hữu trên 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín và 4 nhóm tài sản được đảm bảo cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, Tập đoàn Thiên Thanh phải thanh toán cho nhóm Phú Mỹ 4.620 tỉ đồng.

Nhưng theo LS, toàn bộ số tiền 4.620 tỉ đồng này Tập đoàn Thiên Thanh không thanh toán cho nhóm Phú Mỹ hay cá nhân bà Phấn, mà Tập đoàn Thiên Thanh phải chuyển vào Ngân hàng Đại Tín để tất toán dư nợ gốc của 29 khoản vay là 3.582 tỉ đồng và khoản đầu tư 1.038 tỉ đồng thông qua tài khoản phong tỏa của bà Hứa Thị Phấn

Mặt khác, luật sư cho rằng thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín lỗ là do trích lập dự phòng và nguyên nhân dẫn đến Đề án tái cơ cấu thực hiện không thành công là do ông Phạm Công Danh không có năng lực tài chính, phải rút tiền của chính VNCB để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng.

Xem thêm

Minh Anh