Những con nợ của BIDV từ thời ông Trần Bắc Hà: HAGL và Lilama 45.4
Vốn hóa Ngân hàng BIDV ‘bốc hơi’ nghìn tỉ ngày ông Trần Bắc Hà bị bắt |
Hoàng Anh Gia Lai và câu chuyện ‘nợ gối đầu nợ’
Câu chuyện về những khoản vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn dưới thời ông Trần Bắc Hà, điển hình là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại thời điểm này.
Giai đoạn 2008 - 2016, nợ vay từ Ngân hàng BIDV của HAGL liên tục gia tăng. Năm 2008, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn và dài hạn từ Ngân hàng BIDV của HAGL chỉ đạt tổng cộng 941 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kể từ năm 2013, HAGL phát hành 950 tỉ đồng trái phiếu cho Ngân hàng BIDV, đánh đấu mốc khởi đầu cho giai đoạn phát hành trái phiếu tăng vọt của doanh nghiệp này cho ngân hàng. Tại thời điểm đó, lãi suất thanh toán cho kì đầu tiên của khoản trái phiếu phát hành là 14% và bên lãi suất thanh toán cho các kì sau là 5%, cao hơn 1 – 2% so với mặt bằng lãi suât huy động. Mục đích của đợt phát hành trái phiếu 950 tỉ đồng là cơ cấu các khoản nợ (600 tỉ đồng) và hợp tác kinh doanh (350 tỉ đồng).
Tổng giá trị nợ vay và trái phiếu phát hành từ Ngân hàng BIDV của HAGL tăng gần 4 lần từ 2.835 tỉ đồng lên 10.866 tỉ đồng trong giai đoạn 2013 – 2016. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành tăng 7 lần từ 950 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2013 lên 6.546 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2016.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp |
Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị các khoản vay và phát hành trái phiếu từ Ngân hàng BIDV của HAGL tăng lên 10.866 tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2016 là thời điểm đáng báo động của HAGL khi tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng vọt lên 36.103 tỷ đồng. Dòng tiền trả nợ của HAGL chủ yếu từ đi vay nợ 9.000 tỉ đồng, song đem trả nợ tới 9.879 tỉ đồng và áp lực trả các khoản nợ vay đến hạn ngày càng lớn khi lượng tiền vay được năm 2016 chỉ bằng 60% so với năm trước.
Trước tình thế lúc đó của HAGL, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã phải họp bàn với hàng chục chủ nợ ngân hàng khác để tìm cách “giải cứu” khối nợ cho HAGL. Trong đó, 7 chủ nợ đã chấp nhận cơ cấu giãn lại hơn 12.360 tỷ đồng nợ trái phiếu trong khoảng 10 năm (từ năm 2017-2026) cho HAGL. Riêng BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đã cơ cấu lại khối nợ trái phiếu 6.546 tỷ đồng này mới được phát hành ngày 31/12/2016, sẽ đáo hạn vào năm 2021 và 2026.
Tháng 8/2016, ông Trần Bắc Hà từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV. Theo báo cáo tài chính trước thời điểm ông Hà nghỉ hưu của HAGL, tính đến 30/6/2016, doanh nghiệp này có các 10.704 tỉ đồng nợ vay tại Ngân hàng BIDV: nợ vay ngắn hạn (1.917 tỉ đồng), vay dài hạn (2.837 tỉ đồng) trái phiếu phát hành (5.950 tỉ đồng).
Tính đến 30/9, tổng vay nợ của HAGL từ Ngân hàng BIDV là 8.862 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 54 tỉ đồng, nợ vay dài hạn là 2.932 tỉ đồng và trái phiếu phát hành cho BIDV là 5.876 tỉ đồng.
Trái ngược với xu hướng nợ vay tăng ‘bằng lần’ tại Ngân hàng BIDV trong giai đoạn 2013 – 2016, kết quả kinh doanh của HAGL liên tục sụt giảm. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của HAGL giảm 61,3% so với năm trước đó, xuống còn 602 tỉ đồng. Năm 2016, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 1.500 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh của HAGL giai đoạn 2011 - 2018. Phan Quân tổng hợp |
Với kết quả kinh doanh không mấy khả thi trong những năm gần đây, để tái cơ cấu các khoản nợ vay, HAGL và CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã ký kết hợp tác chiến lược. Theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư, đối tác chiến lược này chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc HAGL trong đó trong đó có tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
‘Cho vay 10, xóa nợ 5’, doanh nghiệp chờ bán tài sản trả nợ
Một trường hợp điển hình khác cũng chưa biết đến ngày trả nợ Ngân hàng BIDV là CTCP Lilama 45.4 (Mã: L44). Đây là khoản vay theo hợp đồng tín dụng ngày 6/7/2015 của Lilama 45.4 và Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Đồng Nai, thời điểm ông Trần Bắc Hà đương nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ngày 28/12/2017, Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Đồng Nai chuyển khoản nợ này qua Chi nhánh Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Tính đến 31/12/2017, Lilama còn nợ DATC số tiền hơn 142 tỉ đồng, trong đó nợ gốc gần 127 tỉ đồng và nợ lãi hơn 15 tỉ đồng.
Nguồn: Lilama 45.4 |
Về phương án xử lý khoản nợ xấu này, theo thỏa thuận ngày 20/10/2017 giữa DATC và Lilama 45.4, DATC sẽ thu nợ số tiền 45 tỉ đồng, chuyển thành vốn góp 22 tỉ đồng và xóa nợ 75 tỉ đồng.
Do Lilama 45.4 không đủ nguồn lực tài chính để trả nợ 45 tỉ đồng, DATC đã hoàn tất các thủ tục để thanh lý 2 bất động sản để thu hồi nợ gồm Tòa nhà Văn phòng Công ty và Nhà máy Cơ khí chế tạo của Lilama 45.4 tại Đồng Nai với giá khởi điểm 46 tỉ đồng.