Tranh luận kịch liệt về trách nhiệm phải trả lại 4.500 tỉ đồng của CBBank
Chiều 17/12, TAND Cấp cao TP HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
CBBank không được phép thụ hưởng 4.500 tỉ đồng
Trước quan điểm luận tội của Viện kiểm sát sáng nay, ông Phạm Công Danh cho biết đã dùng 4.500 tỉ đồng để trả nợ cho NHNN, trả lãi và tất toán các khoản vay đúng quy định.
Bị cáo Phạm Công Danh khai đã dùng 4.500 tỉ đồng để trả nợ cho NHNN, lãi của VNCB nay là CBBank (ảnh: MA). |
Ông cho rằng mình đã toàn lực giúp sức cho ngân hàng Đại Tín, tập trung giải quyết các khoản nợ trước đó của ngân hàng này (các khoản đã có khi ông còn chưa tiếp nhận Đại Tín), chỉ mong phương án tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện thành công, không bị đổ vỡ .
Trong khi đó, bị cáo Phan Thành Mai nói thời điểm nhận chuyển giao, VNCB đã bị lỗ và bị cáo đã thực hiện trách nhiệm kế thừa.
Do đó việc nói CBBank không có trách nhiệm phải trả số tiền trên vì ngân hàng có lỗ là hoàn toàn không có cơ sở. Khi tiếp nhận, ngân hàng phải có trách nhiệm kế thừa. Ngoài ra, ông Mai cũng xin rút lại một phần kháng cáo liên quan đến lãi vay của các doanh nghiệp vay ba ngân hàng.
Theo các luật sư bào chữa cho ông Danh và Mai, quá trình lập hồ sơ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng của VNCB là một thực tế khách quan được thể hiện trong phương án được nêu tại Tờ trình 281 ngày 7/8/2013. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của VNCB trong giai đoạn triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu toàn diện đã được NHNN chấp thuận, được NHNN chi nhánh tỉnh Long An, Vụ chính sách tiền tệ, Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng, Tổ Giám sát VNCB và Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN đồng thuận.
Về nhận định trong kháng nghị cho rằng các hồ sơ vay tiền là hồ sơ khống, các quan hệ tín dụng này đã được kết luận và xác định là trái pháp luật. Như vậy nguồn gốc số tiền 4.500 tỉ dùng để tăng vốn điều lệ ông Phạm Công Danh có được là do hành vi trái pháp luật của Phạm Công Danh và đã bị xử lý trong vụ án giai đoạn 1 là 300 tỉ đồng và trong vụ án này là 4.200 tỉ đồng, nên số tiền này có nguồn gốc bất hợp pháp, không thể xác định là tài sản hợp pháp của Phạm Công Danh. Theo quan điểm của các luật sư, nhận định nói trên của VKS cần được xem xét lại.
Theo luật sư, nguồn gốc 4.500 tỉ đồng ông Phạm Công Danh cùng các cổ đông tăng vốn điều lệ VNCB đã được các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, xác định rõ ràng nguồn tiền được hình thành từ các Hợp đồng tín dụng, nhưng không có kết luận nào cho rằng là khống hay trái pháp luật.
Cho dù trong trường hợp các quan hệ tín dụng bị coi là trái pháp luật thì thực tế nguồn tiền để góp vốn là có thật, đã được ghi nhận từ NHNN và CQĐT, không chỉ thuộc sở hữu và trách nhiệm của cá nhân ông Phạm Công Danh, mà còn của các cổ đông khác, do đó, cần trả về cho các cổ đông.
Đến nay, với lý do phải chờ kết quả giải quyết vụ án, CBBank vẫn chưa hạch toán lại đối với số tiền 4.500 tỉ góp tăng vốn điều lệ. Đối với những người góp vốn (đã được xác minh là họ đứng tên hộ bị cáo Danh), theo quy định của pháp luật, khi chưa hoàn thành các thủ tục tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật, họ chưa được coi là cổ đông của CB. Chính vì chưa phải là cổ đông, nên họ mới có quyền yêu cầu CB trả lại số tiền góp vốn, vì mục đích tăng vốn điều lệ không thực hiện được.
Vì vậy, luật sư cho rằng CBBank không được phép thụ hưởng số tiền 4.500 tỉ đồng góp vốn, trừ trường hợp đủ căn cứ chứng minh, bị cáo Danh hoặc những người góp vốn đã rút số tiền đó ra,hoặc sử dụng hết cho mục đích cá nhân của họ.
Theo luật sư, số tiền này ông Danh không sử dụng vì mục đích cá nhân, đại diện CBBank cũng thừa nhận mọi giao dịch của ngân hàng đều có chứng từ và CBBank nói sẽ nói rõ trong phần tranh luận. Vì vậy, các luật sư đề nghị không chấp nhận kháng nghị của VKS về việc không thu hồi số tiền này.