|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhập nhằng nghĩa vụ bồi thường trong vụ án Phạm Công Danh

16:43 | 25/12/2018
Chia sẻ
Vụ án Phạm Công Danh là một vòng xoáy luẩn quẩn của các khoản tiền, nghĩa vụ thanh toán của các bên liên quan, từ các bị cáo, các cá nhân liên quan, công ty, ngân hàng,... Có ba khoản tiền quan trọng được lưu ý trong vụ án là khoản vay 6.100 tỉ đồng từ ba ngân hàng; khoản góp vốn 4.500 tỉ đồng vào VNCB và khoản trả nợ BIDV 1.600 tỉ đồng.
nhap nhang nghia vu boi thuong trong vu an pham cong danh Toà tuyên CBBank phải trả 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh, BIDV không phải bồi thường hơn 1.600 tỉ đồng

Sau nhiều ngày tranh luận, hôm nay, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh với những sai phạm liên quan đến Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank) đã kết thúc với phần tuyên án. Có đơn kháng cáo đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) đồng ý và cũng có nhiều kháng cáo khác bị bác bỏ.

Phần trách nhiệm dân sự của các bên và việc thu hồi các khoản tiền có liên quan trong vụ án được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.

nhap nhang nghia vu boi thuong trong vu an pham cong danh
Ông Phạm Công Danh (Nguồn: Zing)

Khoản 4.500 tỉ đồng nhóm cổ đông Phạm Công Danh góp vốn vào VNCB

Đây là số tiền mà nhóm cổ đông liên quan đến Phạm Công Danh đã dùng để góp vốn vào VNCB nhằm thực hiện tăng vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, phương án tăng vốn không được thông qua và do đó ngân hàng vẫn chưa hạch toán tăng vốn.

HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng số tiền 4.500 được xem là tài sản của bị cáo Danh, cần được thu hồi, phù hợp với quy định pháp luật. CBBank cũng và không chứng minh được là ông Danh đã sử dụng riêng số tiền này. Do đó, việc CBBank nêu ra các lí do như kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm,... để không trả lại tiền cho ông Danh là không hợp lí. Toà đã bác kháng cáo của CBBank, yêu cầu ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản tiền này.

Trong 4.500 tỉ đồng này có 2.300 tỉ đồng là tiền vay tại BIDV (đã được tất toán từ tiền gửi của VNCB), cần được khấu trừ do đó chỉ thu hồi khoảng 2.200 tỉ đồng, đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Danh hai giai đoạn. Số tiền này sẽ do HĐXX thu hồi để thực hiện các nghĩa vụ của ông Danh trong hai giai đoạn của vụ án.

Vì sao toà chấp nhận đơn kháng cáo không trả 1.600 tỉ đồng của BIDV?

Theo án sơ thẩm, Phạm Công Danh đã dùng một phần của số tiền thu được để trả các khoản nợ của Tập đoàn Thiên Thanh và các công ty liên quan tại hai chi nhánh của BIDV (1.176 tỉ đồng của BIDV Sở Giao dịch II, gần 458 tỉ đồng của BIDV chi nhánh Hải Vân). Đây được nhận định là vật chứng của vụ án nên buộc BIDV phải trả lại tổng số tiền khoảng 1.600 tỉ đồng.

Cũng lưu ý thêm rằng, giao dịch này về bản chất là ông Danh đã dùng tiền sai phạm để thanh toán nợ cho các công ty của mình.

Ngay sau đó, BIDV đã kháng cáo không đồng ý với nhận định của cấp sơ thẩm. Luật sư đại diện của BIDV nhận định, hành động thu hồi số tiền 1.600 tỉ đồng của BIDV là hoàn toàn hợp pháp và ngân hàng hoàn toàn không biết và không buộc phải biết nguồn gốc số tiền ở đâu. Và luật sư cũng đặt ra câu hỏi rằng tài sản thế chấp đã được giải chấp từ 5 năm trước thì quyền lợi của BIDV sẽ được đảm bảo như thế nào?

Luật sư cho rằng xét về góc độ pháp lí cũng như góc độ kinh tế thì việc quyết định buộc BIDV phải trả lại số tiền 1.600 tỉ đồng cho CBBank là không hợp lí. Đồng thời, quyết định thu hồi số tiền 1.600 tỉ đồng sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng.

Trong phần tuyên án phúc thẩm, HĐXX cũng đã đồng ý với quan điểm của BIDV và tuyên BIDV không phải hoàn trả cho CBBank hơn 1.600 tỉ đồng.

Thu hồi vật chứng 6.100 tỉ đồng vay từ Sacombank, BIDV, TPBank

Dùng tiền gửi của VNCB làm đảm bảo, ông Phạm Công Danh dùng danh nghĩa 29 công ty vay tiền tại ba ngân hàng BIDV, TPBank và Sacombank. Khi không trả được nợ, các ngân hàng đã sử dụng 6.100 tỉ đồng tiền gửi để tất toán các khoản vay, trong đó, Sacombank là hơn 1.800 tỷ đồng, TPBank là hơn 1.740 tỷ đồng và BIDV là hơn 2.500 tỷ đồng.

HĐXX sơ thẩm nhận định rằng số tiền trên không phải là vật chứng của vụ án, ba ngân hàng không bị thiệt hại từ vụ án nên không phải hoàn trả. Đồng thời, ông Danh phải bồi hoàn cho VNCB 745 tỉ đồng liên quan đến việc vay vốn tại Sacombank (202 tỉ đồng), BIDV (502 tỉ đồng) và TPBank (41 tỉ đồng).

HĐXX xác định số tiền hơn 6.100 tỉ đồng mà Phạm Công Danh đã vay từ ba ngân hàng mới là vật chứng và đã tuyên thu hồi tiền từ nhiều nguồn khác mà Phạm Công Danh sử dụng.

Cụ thể, thu hồi từ bà Hứa Thị Phấn 600 tỉ đồng; từ ông Trần Quý Thanh hơn 194 tỉ đồng; từ CBBank hơn 2.300 tỉ đồng (sau khi đã khấu trừ thiệt hại); từ Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hải Tiến hơn 300 tỉ đồng; từ Agribank hơn 30 tỷ đồng; từ Ngân hàng Bản Việt hơn 300 triệu đồng từ Ngân hàng Bản Việt,...

Xem thêm

Diệp Bình