|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phạm Công Danh không phải bồi thường khoản 2.500 tỷ chi tiêu ‘không địa chỉ’?

15:40 | 24/12/2018
Chia sẻ
Trước giờ tuyên án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã có bản kiến nghị gửi tới lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM, nêu nhiều luận điểm đáng lưu ý.
pham cong danh khong phai boi thuong khoan 2500 ty chi tieu khong dia chi
Theo Luật sư, nếu thu tiền theo cách mà bản án giai đoạn 1 và sơ thẩm giai đoạn 2 đang áp dụng, Phạm Công Danh không phải khắc phục hậu quả gì mà còn "dư tiền" (Ảnh: VTC).

Trong nội dung kiến nghị, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên dẫn số liệu từ hồ sơ vụ án cho biết, trong vụ án này tổng số tiền mà Phạm Công Danh rút ra qua Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB) là 17.864 tỷ đồng.

Trong đó, theo bản án vụ án giai đoạn 1 và bản án sơ thẩm giai đoạn 2, số tiền mà Phạm Công Danh phải bồi thường là 5.606 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết luận điều tra giai đoạn 2 được luật sư Uyên dẫn ra, trong số hơn 5.600 tỷ đồng này, có tới hơn 4.500 là số nợ đã được ghi nhận trước khi vụ án Phạm Công Danh xảy ra.

“Toàn bộ số nợ này được bảo đảm bằng các tài sản hiện được thế chấp cho Ngân hàng Xây Dựng, đã bị kê biên trong vụ án. Toàn bộ số nợ này được trả bằng nguồn tiền rút ra trong vụ án”, luật sư phân tích.

Theo luật sư này, ngoài việc Phạm Công Danh đã dùng tiền phạm tội để chi trả số nợ này cho BIDV và công ty Hải Tiến, thì số nợ này không liên quan gì đến vụ án và đương nhiên Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Lấy con số hơn 5.600 tỷ đồng trừ đi 4.500 tỷ đồng tiền nợ từ trước này, luật sư Uyên cho rằng như vậy thực chất ông Danh chỉ phải bồi thường 1.106 tỷ đồng.

“Trong khi đó, tổng số tiền Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ (không bao gồm các khoản trả nợ cũ, có xác định được địa chỉ nhưng chưa thu) là hơn 2.500 tỷ đồng […]. […] so với số tiền 1.106 tỷ đồng mà Phạm Công Danh thực chất phải bồi thường trong vụ án này thì có gần 1.400 tỷ Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ mà không phải bồi thường”, vị luật sư này phân tích.

Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, hiện số tiền mà Phạm Công Danh trả cho BIDV 2.600 tỷ đồng, trả lãi cho các công ty con của ông này tại Sacombank 36 tỷ đồng, trả cho công ty Hải Tiến 154 tỷ đồng là những khoản tiền ‘có địa chỉ’ nhưng không bị thu hồi.

Theo bà Uyên, nếu áp dụng nguyên tắc thu hồi các khoản tiền này giống như cách tòa giai đoạn 1 và sơ thẩm giai đoạn 2 đã tuyên thu hồi đối với các khoản khác (như các khoản tiền trả cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích), thì Phạm Công Danh không phải bồi thường đồng nào, thậm chí còn dư tiền.

Từ các số liệu và phân tích nói trên, bà Kiều Vũ Thụy Uyên cho rằng việc thu hồi tiền từ các cá nhân khác thực chất là thu hồi tiền để bù vào phần Phạm Công Danh trả nợ cá nhân và chi tiêu không rõ địa chỉ.

Theo bà Uyên, đây là điều ‘cực kỳ bất hợp lý trong toàn bộ vụ án’. “Bất hợp lý này do xác định sai bản chất vụ án, do dùng tiền của người ngay tình để khắc phục thiệt hại không đúng bản chất vụ án”, theo luật sư Uyên.

Bà Uyên đã kiến nghị HĐXX phiên phúc thẩm giai đoạn 2 xem xét việc các cơ quan tố tụng buộc những người ngay tình phải chịu trách nhiệm thay cho Phạm Công Danh, việc trả lại nhiều tài sản cho công ty Việt Trung (công ty của Phạm Công Danh), và việc không triệt để thu hồi các tài sản của Phạm Công Danh (bao gồm các tài sản được thế chấp để vay nợ).

Trước đó, trong phiên phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã có phần trình bày dài hàng chục trang giấy.

Tại đây, bà Uyên đưa ra các luận cứ để khẳng định phiên tòa giai đoạn 1 và phiên sơ thẩm giai đoạn 2 đã không xem xét công bằng các giao dịch cùng bản chất, không xác định đúng đối tượng chịu trách nhiệm về thiệt hại, dẫn đến hậu quả của vụ án không hề được khắc phục mà chỉ là dùng tiền của những người có giao dịch với Phạm Công Danh để khắc phục cho những thiệt hại mà Phạm Công Danh gây ra.

Theo kế hoạch, ngày mai 25/12, HĐXX phúc thẩm sẽ tuyên án sau 1 tuần nghị án.

Hoành San

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.