|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: Tranh cãi ai được quản lí 114 bất động sản

20:22 | 21/11/2019
Chia sẻ
Đó là vấn đề nhiều tranh cãi mà luật sư các bên nêu ra tại phiên toà xét xử bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm (giai đoạn 2) liên quan đến thiệt hại 1.338 tỉ tại Ngân hàng Đại Tín chiều 21/11.
 - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh trong các phiên toà trước đây - Ảnh: Tư liệu

Theo đó, nhóm Phú Mỹ (của bà Phấn) vay 29 khoản vay (trị giá 3.581 tỉ) tại Ngân hàng Đại Tín, tài sản đảm bảo là 114 bất động sản. Sau đó, nhóm Phú Mỹ chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho nhóm Thiên Thanh (của ông Phạm Công Danh).

Ông Danh đã chuyển 3.581 tỉ để tất toán 29 khoản vay và 76 tỉ để trả lãi cho 5 khoản vay. Trong nhiều phiên toà trước đó, ông Danh nhiều lần "đòi" 114 bất động sản này.

Chiều 19-11, VKSND TP.HCM cho rằng cần phải buộc ông Phạm Công Danh trả phần lãi còn lại của 29 khoản vay tính đến ngày ông Danh chuyển tiền tất toán nợ gốc của 29 khoản vay này, tiếp tục kê biên 114 bất động sản để đảm bảo nghĩa vụ của ông Danh với Ngân hàng Xây dựng (CB).

CB thu lãi không hợp lý?

Tại phiên toà, các luật sư bảo vệ cho ông Phạm Công Danh cho rằng ông Danh và nhóm Thiên Thanh trả 3.581 tỉ và một phần lãi cho Ngân hàng Đại Tín để giải chấp 114 bất động sản. 

Nhóm này đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, phần tiền lãi còn lại mà CB cho rằng nhóm Phú Mỹ còn phải thanh toán là không hợp lý.

Bởi việc chuyển giao giữa nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh không phải giao dịch thông thường mà là thi hành phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong đó nợ của nhóm Phú Mỹ được xác định là số tiền 3.581 tỉ, không có lãi.

Do đó, CB không có quyền tính lãi phát sinh, tính lãi quá hạn, tính phạt trên lãi chậm trả đối với khoản vay của Nhóm Phú Mỹ.

Đồng thời, HĐQT ngân hàng này đã từng ra nghị quyết miễn lãi cho nhóm Phú Mỹ. Hơn nữa, CB đã chuyển hóa nợ lãi thành nợ gốc, rồi tính "lãi chồng lãi" nhiều lần đối với các khoản vay của Nhóm Phú Mỹ, phạt lãi chậm trả gấp 4 lần pháp luật quy định, trong khi đó theo quy định nếu các bên không có thoả thuận phạt vi phạm thì không được phạt vi phạm.

Luật sư cũng cho rằng số liệu tính lãi không rõ ràng bởi việc tính lãi gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn (tính trên nợ gốc) và phạt lãi (tính trên lãi trong hạn và quá hạn). 

Tuy nhiên, nhiều hồ sơ khách hàng có số tiền vay khác nhau nhưng ngân hàng lại tính số lãi bằng nhau, khách hàng nợ lãi ít hơn lại phạt lãi lại nhiều hơn.

"Ai cũng nhận là nạn nhân"

Trong các phiên toà trước đó, ông Phạm Công Danh cho rằng ông chuyển 3.581 tỉ để giải chấp từng phần để nhận 114 bất động sản. 

Các luật sư của ông Danh cũng cho rằng ngân hàng đã nhận được số tiền 3.661 tỉ đồng để tất toán khoản nợ 3.581 tỉ đồng, cùng một phần tiền lãi của nhóm Phú Mỹ.

Nhưng đến nay, ngân hàng không hoàn trả lại 114 tài sản cho Tập đoàn Thiên Thanh hoặc không chịu hoàn lại 3.661 tỉ đồng mà Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển. Từ đó, đề nghị HĐXX trao cho Tập đoàn Thiên Thanh nhận lại 114 bất động sản từ CB.

Đối đáp với nhóm luật sư của ông Danh, luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn cho rằng nhóm Thiên Thanh chưa hoàn tất nghĩa vụ (chưa thanh toán lãi của 24 khoản vay), vì vậy đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa lệnh kê biên đối với 114 bất động sản của nhóm Phú Mỹ và giao cho CB xử lý để thu hồi lại các khoản tiền mà bà Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả, nhằm giảm thiệt hại cho Nhà nước.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho CB cho rằng việc tách vụ án đã xé lẻ các vấn đề, khiến nhiều tình tiết không được xâu chuỗi. 

Trong vụ án, "ai cũng nhận là nạn nhân, bên bà Phấn cũng nói bà Phấn là nạn nhân, bên ông Danh thì nói ông Danh là nạn nhân".

Tuy nhiên, cần xác định tài sản này thuộc về ai. Theo luật sư, ông Phạm Công Danh chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nên luật sư đồng ý với quan điểm của luật sư phía bà Phấn nêu, đề nghị HĐXX để cho CB tiếp tục quản lý 114 bất động sản.

Về lãi suất, luật sư cho rằng tiền lãi tính theo thoả thuận và theo quy định của pháp luật. Về tiền phạt chậm trả, BLDS năm 2005 quy định các bên chậm trả thì phải trả lãi cho khoản tiền chậm trả, việc này không được gọi là "lãi nhập lãi".

HĐXX nghị án và tuyên án vào 16h ngày 22-11.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuyết Mai

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.