|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xét xử phúc thẩm vụ án NH Đại Tín: Công ty Phương Trang chưa nhận đủ 4.500 tỉ đồng?

12:47 | 29/10/2018
Chia sẻ
Trong phiên toà sáng 29/10, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp chỉ ra rằng số tiền được rút ra từ Ngân hàng Nhà nước đã không được chuyển toàn bộ về Công ty Phương Trang. Thực tế, công ty này chỉ nhận số tiền 3.937 tỉ đồng, còn lại bà Ngô Thị Ngân chịu trách nhiệm đối với 208,4 tỉ đồng.
xet xu phuc tham vu an nh dai tin cong ty phuong trang chua nhan du 4500 ti dong Xét xử phúc thẩm vụ án NH Đại Tín: Mâu thuẫn về khoản tiền vay Phương Trang thực nhận

Sáng nay (29/10), phiên tòa xét xử phúc thẩm về tội cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CBBank (tiền thân là NH TMCP Đại Tín - TrustBank, NH TMCP Xây dựng VN - VNCB cũ) hơn 6.362 tỉ đồng tiếp tục diễn ra với phần trình bày của các luật sư và các bên liên quan.

Ông Phạm Công Danh mong tạo điều kiện, ngưng thi hành án để khắc phục hậu quả

Tại phiên tòa lần này, bị án Phạm Công Danh vẫn khẳng định nguyên nhân gây hậu quả là bà Hứa Thị Phấn. Nếu vụ án này xảy ra và được cơ quan tố tụng khởi tố sớm thì chắc có lẽ không có vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ông Danh cho biết, nếu mặt hình sự của bị án đã được ghi nhận thì ông xin phép được trình bày quyền lợi của mình. Cụ thể, ông khẳng định khoản tiền 3.660 tỉ đồng mà ông đã trả cho ngân hàng Đại Tín lúc đó đã phong tỏa 100% có điều kiện để phục vụ cho trả tài sản và chỉ sử dụng đúng mục đích.

"Không biết vì lý do gì mà tôi không nhận được bất kỳ khoản tài sản nào liên quan mặc dù hợp đồng nêu rất rõ. Điều này làm tổn hại cho bị cáo rất lớn khi đã cứu vãn ngân hàng này trong tình thế khó khăn như vậy. Nếu như thời điểm đó cơ quan tố tụng ghi nhận, khởi tố thì có lẽ tôi không bị sự việc như ngày hôm nay”, bị án Danh trình bày.

Về việc khắc phục hậu quả vụ án, bị án Phạm Công Danh cho rằng đây là quyền lợi chính đáng. Nếu được xét xử sớm hơn thì ông sẽ sớm khắc phục được thiệt hại. Đối với kê biên 114 tài sản, ông Danh đề nghị HĐXX tạo điều kiện để ngưng thi hành án. Theo ông, đây là việc làm thực tế và là một khoản tiền không nhỏ để khắc phục.

xet xu phuc tham vu an nh dai tin cong ty phuong trang chua nhan du 4500 ti dong
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa (Ảnh: Minh Anh)

Không có căn cứ để xác định bị cáo Ngô Thị Ngân đã giao đủ cho Công ty Phương Trang số tiền hơn 4.500 tỷ đồng

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bảo vệ quyền lợi lợi ích cho nhóm công ty Phương Trang cho rằng, trong 28 lần áp tải tiền, đã có khoảng 10 lần bảo vệ Nguyễn Phúc Kháng vận chuyển về Tòa nhà Lam Giang, có địa chỉ 169 - 173 đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1.

Tại đây ông Kháng được trực tiếp đưa tiền từ xe ô tô lên phòng làm việc của bà Phấn tại tầng 6 của Tòa nhà Lam Giang, cùng đi với ông Kháng có bà Ngô Thị Ngân. Có lần tiền để lại hết mà không mang ra xe ô tô để về chi nhánh Sài Gòn, cũng có lần tiền sau khi kiểm đếm cho vào bao được ông Kháng đưa xuống xe ô tô để chở về cho công ty Phương Trang, trên đường Lê Lai, quận 1, TP HCM.

Ngoài ra, các lái xe tham gia vận chuyển tiền mặt rút từ Ngân hàng Nhà nước cùng Ngô Thị Ngân (gồm Phùng Văn Thiện, Hồ Minh Nhật, Trần Công Danh, Vũ Minh Vương; Hồ Thiện Thanh) đều khai cùng nội dung: Sau khi Ngô Thị Ngân nhận tiền từ NHNN, theo yêu cầu của bị cáo Ngân, phần lớn tiền được chở đến phòng làm việc của bà Hứa Thị Phấn ở tầng 6 tòa nhà Lam Giang.

Trong đó, có lần tiền được để luôn tại tầng 6 không chuyển về ngân hàng; có lần tiền được chuyển xuống và chở về Chi nhánh Sài Gòn; có lần tiền được chuyển xuống và chở về Công ty Phương Trang. Tuy nhiên lượng tiền chuyển ra thường ít hơn so với lượng tiền đã đem vào.

Như vậy, không có căn cứ để xác định bị cáo Ngô Thị Ngân đã giao đủ cho Công ty Phương Trang số tiền 4.554,2 tỉ đồng giải ngân bằng tiền mặt có nguồn rút từ NHNN như kháng cáo của bị cáo.

Mặt khác, căn cứ Biên bản đối chiếu nợ vay ngày 18 và19/12/2014 giữa Ngân hàng Đại Tín với Công ty Phương Trang và kết quả điều tra xác định Công ty Phương Trang chỉ thực nhận tổng cộng 3.937 tỉ đồng.

Theo luật sư Thiệp, bản án sơ thẩm xác định Công ty Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3.937 tỉ đồng từ Ngân hàng Đại Tín là hoàn toàn có căn cứ. Trong tổng số 9.402 tỉ đồng dư nợ gốc trên chứng từ khống đứng tên vay trên hồ sơ là Công ty Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín thì bà Hứa Thị Phấn đã sử dụng 5.257 tỉ đồng. Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.937 tỉ đồng, còn lại Ngô Thị Ngân chịu trách nhiệm đối với 208,4 tỉ đồng bị thất thoát nằm trong số tiền 4.554 tỉ đồng bà nhận tiền mặt từ NHNN.

Yêu cầu tiếp tục quản chấp tài sản của CBBank là chưa phù hợp?

Tại phiên tòa, Luật sư Phi Long, bảo vệ quyền lợi cho nhóm Phương Trang, cho biết thực chất việc chứng minh Phương Trang thực nhận với khoản tiền 3.936 tỉ đồng nói trên không phải là do cá nhân nào tùy tiện đưa ra mà đó là kết quả của một quá trình điều tra lâu dài.

Tổng hợp từ những nguồn chứng cứ đã được thu thập trong vụ án đã làm rõ khoản tiền 3.936 tỉ đồng được xác định từ tất cả biên bản đối chiếu công nợ giữa CBBank và Phương Trang.

Trong đơn kháng cáo, CBBank cho rằng 82 hợp đồng tín dụng và 1 khoản phát hành trái phiếu nêu trên là hợp lệ, đảm bảo các quy định của pháp luật về cấp tín dụng. Việc giải ngân bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cho khách hàng đã đầy đủ, tài khoản của khách hàng trên hệ thống ngân hàng đã báo nhận đủ tiền mà không đặt trách nhiệm phải giải ngân thực tế nên nghĩa vụ giải ngân của Ngân hàng đã hoàn thành.

Việc sử dụng tiền của bên thứ ba, cũng là công ty hoặc người của công ty Phương Trang thông qua hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, không thuộc quy trình giải ngân.

Liên quan yêu cầu kháng cáo của CBBank, về tổng quát, Luật sư Phi Long cho rằng, yêu cầu này dựa trên bề mặt hình thức của hồ sơ tín dụng của 46 khoản vay còn dư nợ khống nên yêu cầu Phương Trang phải chịu 100% nợ gốc. Trong khi kết quả điều tra chứng minh, Phương Trang chỉ thực nhận 3.937 tỉ đồng phần còn lại hơn 5.200 tỉ đồng bà Hứa Thị Phấn chiếm đoạt và 208 tỉ đồng còn lại bị cáo Ngô Thị Ngân chịu trách nhiệm.

Kết quả điều tra hình sự đi đến cùng bản chất của các quan hệ tín dụng này, hồ sơ tín dụng, giải ngân, ủy nhiệm chi, phiếu rút tiền mặt, là bề mặt chứng từ và hồ sơ hình thức của quan hệ tín dụng này không còn giá trị, nên Phương Trang chỉ phải chịu trách nhiệm trên dư nợ gốc thực nhận.

Mặt khác, việc tính lãi cho đến trước khi khai mạc phiên tòa là ngày 7/5/2018 là không phù hợp vì vụ án kéo dài không phải lỗi của Phương Trang và Phương Trang đã tố cáo từ 29/2/2012 và yêu cầu không nhận trách nhiệm lãi từ 1/3/2012, nên yêu cầu lãi của CBBank với Phương Trang là vô lý vì sai đối tượng và sai phương thức tính lãi và thời gian tính lãi.

Ngoài ra, yêu cầu tiếp tục quản chấp tài sản của CBBank là chưa phù hợp với kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm về số nợ gốc Phương Trang thực nhận. Đề nghị giải tỏa theo hai phương án Phương Trang đã chính thức nêu yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là quan điểm và cách thức nêu yêu cầu của đại diện CBBank tại phiên tòa sơ thẩm và trong đơn kháng cáo hoàn toàn thoát ly khỏi quá trình đối chiếu công nợ chi tiết của chính Ngân hàng Đại Tín có nhiều biên bản có sự chủ trì của NHNN và sự chứng kiến của cơ quan điều tra.

Xem thêm

Thu Hà