|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tại Ngân hàng Đại Tín

20:41 | 29/06/2020
Chia sẻ
Trước khi thông báo tạm hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề liên quan đến 17 bất động sản ở Bình Dương cùng 6 bất động sản ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tại Ngân hàng Đại Tín - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tuyên án ngày 22/11/2019. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Sau một tuần xét xử và nghị án dài ngày, chiều 29/6, thay vì tuyên án như dự kiến, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam).

Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được Hội đồng xét xử thông báo sau.

Trước khi thông báo tạm hoãn phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề liên quan đến 17 bất động sản ở Bình Dương cùng 6 bất động sản ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, 6 bất động sản ở Quận 2 là đất mà bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh (gọi tắt là Tập đoàn Thiên Thanh) đề nghị được nhận lại vì lý do đây là phần nằm trong chuyển giao của Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín - Trustbank, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) khi bán ngân hàng lại cho Phạm Công Danh.

Còn 17 bất động sản ở Bình Dương là đất Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên trao cho Công ty Tân Đông Hiệp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tập đoàn Thiên Thanh cung cấp chứng cứ thể hiện 17 bất động sản này đứng tên nhóm cổ đông Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn đứng đầu) và nằm trong danh sách các tài sản thỏa thuận bàn giao cho nhóm cổ đông Thiên Thanh khi mua cổ phần của Ngân hàng Đại Tín.

Sau khi xét hỏi lại các vấn đề trên, chủ tọa thông báo hoãn phiên tòa phúc thẩm để Hội đồng xét xử kiến nghị làm rõ số bất động sản này.

Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, kéo dài từ năm 2016 đến nay với nhiều phiên tòa, phiên tòa xét xử phúc thẩm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín - giai đoạn 2 được xem như “phần kết” của "đại án" ngân hàng Đại Tín-Xây Dựng.

Ngân hàng Đại Tín sau khi bán cho Phạm Công Danh thì được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Sau khi xảy ra vụ án Phạm Công Danh, ngân hàng này được định giá 0 đồng và Nhà nước quản lý, nay đổi tên là Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB).

Xét xử từ ngày 22-24/6, phiên tòa phúc thẩm vụ án này “nóng” lên với những tranh luận xoay quanh vấn đề ai là người phải bồi hoàn 901 tỷ đồng cho Ngân hàng CB và việc giải quyết với 6 bất động sản (tương đương với 2ha đất ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) mà bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đang đòi trong vụ án.

Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến sai phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là do bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm đoạt số tiền hơn 1.338 tỷ đồng của ngân hàng, thông qua 2 hành vi phạm tội.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với trách nhiệm dân sự để khắc phục hậu quả vụ án. Do vậy, bị cáo Phấn phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt để bồi thường cho Ngân hàng CB.

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên Hứa Thị Phấn chịu trách nhiệm hình sự với toàn bộ số tiền chiếm đoạt nhưng lại buộc bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn 901 tỷ đồng cho Ngân hàng CB thay bà Phấn là trái pháp luật.

Ngoài ra trong vụ án phúc thẩm này, 3 bị cáo xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt là Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng hình phạt đối với 3 bị cáo như vậy là phù hợp và đã có sự nhân đạo của pháp luật bởi hậu quả gây ra của các bị cáo là rất nghiêm trọng, do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho 3 bị cáo trên.

Một vấn đề được tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm là cách giải quyết đối với 6 bất động sản ở Quận 2.

Trong vụ án Ngân hàng Đại Tín giai đoạn 1, cấp sơ thẩm đã tuyên tiếp tục kê biên 6 bất động sản này để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Hứa Thị Phấn trong vụ án.

Sau đó, ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh kháng cáo yêu cầu tòa án xem xét nhận lại 6 bất động sản nói trên.

Đến vụ án Ngân hàng Đại Tín giai đoạn 2, cho rằng cấp sơ thẩm không giải quyết thỏa đáng những yêu cầu này nên bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh tiếp tục kháng cáo.

Theo luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi của bị án Phạm Công Danh), 6 lô đất này là tài sản mà cổ đông nhóm Hứa Thị Phấn chuyển giao lại cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, nhưng các cơ quan tố tụng không giao lại cho Tập đoàn Thiên Thanh là không đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi đến Hội đồng xét xử với nội dung: Tập đoàn Thiên Thanh được biết ngày 10/6, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc bán đấu giá 6 lô đất ở Quận 2.

Tập đoàn Thiên Thanh đề nghị cơ quan thi hành án dân sự tạm dừng việc bán đấu giá các lô đất này vì Tập đoàn Thiên Thanh đang có kháng cáo yêu cầu hoàn trả. Mục đích để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông Phạm Công Danh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Chung

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.