Xét xử phúc thẩm vụ án NH Đại Tín: Xác định rõ trách nhiệm của bà Phấn về 5.200 tỉ đồng đã sử dụng
Xét xử phúc thẩm vụ án NH Đại Tín: Công ty Phương Trang chưa nhận đủ 4.500 tỉ đồng? |
Chiều nay (29/10), tiếp tục diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm về tội cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CBBank (tiền thân là NH Đại Tín - TrustBank, NH TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB cũ) hơn 6.362 tỉ đồng với đối đáp của Viện kiểm sát (VKS).
Luật sư cho rằng không có cơ sở để qui buộc bị cáo Phấn cũng như các đồng phạm
Tại phiên tòa, VKS cho biết, các luật sư cho rằng do điều 165, Luật Dân sự không qui định chủ thể phạm tội là người sử dụng tiền, vật chất gây ra phạm vi hành vi phạm tội và cũng có nội dung yêu cầu phải cho tiến hành đối chất giữa các bên theo đúng qui định để làm rõ mâu thuẫn về số liệu trong các khoản tiền vay của nhóm Phương Trang và nhóm Phú Mỹ. Từ đó có căn cứ qui buộc trách nhiệm của Phương Trang đối với việc trả nợ cho NH Đại Tín theo qui định.
Đặc biệt các luật sư cũng nhấn mạnh là phải giám định hậu quả thiệt hại xảy ra theo đúng qui định của luật giám định tư pháp. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Phấn có hành vi sử dụng số tiền trên 5.200 tỉ đồng, chính là số tiền bị cáo Phấn gây thiệt hại trong hành vi cố ý làm trái qui định quản lý của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng cùng với đó lại ghi nhận có 21 bị cáo trong tổng số bị cáo đồng phạm của tội danh này. Nếu cộng chung các khoản tiền này sẽ lên đến trên 23.000 tỉ đồng.
Đặc biệt trong nội dung này, các luật sư bảo vệ cho bị cáo Phấn cho rằng nếu chỉ có bị cáo Phấn cùng những người có liên quan trong NH Đại Tín thì không thể hoàn tất hành vi cố ý làm trái mà phải có dấu hiệu đồng phạm. Trong này đó là nhóm nhân viên của Công ty Phương Trang, trong việc lập khống chứng từ.
Ngoài ra còn có một số ý kiến chứng minh là các khoản vay dựa trên bề mặt hồ sơ, chứng từ và nêu lên những nội dung không hợp lý của từng khoản vay theo cách cấp sơ thẩm đã chứng minh bằng phương pháp truy ngược dòng tiền. Từ đó các luật sư cho rằng không có cơ sở để qui buộc bị cáo Phấn cũng như các đồng phạm, do đó cần phải hủy án để điều tra lại.
Các bị cáo tại tòa (Ảnh: MA). |
Những vấn đề này, VKS cho rằng mối quan hệ giữa bị cáo Phấn với nhóm Phương Trang điều này đã được các luật sư nhóm Phương Trang trong phần tranh luận sáng 29/10 đề cập, cho nên VKS không nêu lại.
Đối với ý kiến cho rằng Công ty Phương Trang sử dụng trước tiền vay của nhóm Phú Mỹ để đảo nợ khoản vay tại Ngân hàng Sài Gòn, VKS cho biết vì việc này trong quá trình điều tra, thẩm vấn tại tòa sơ thẩm đã chứng minh rằng bà Hứa Thị Phấn không liên quan đến việc tất toán các khoản tín dụng của của nhóm Phương Trang tại Ngân hàng Sài Gòn.
Việc chứng minh số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang chỉ là 3.900 tỉ đồng còn lại 5.200 tỉ đồng do bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm đoạt thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan, VKS cho biết, lãnh đạo NH Đại Tín chi nhánh Nam Giang thực hiện hạch toán cấn trừ trên các phiếu thu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi khống và không có việc giải ngân. Dựa trên căn cứ ở bản án sơ thẩm đã chứng minh về đường đi của dòng tiền, các khoản tiền vay cũng đều được làm rõ.
Quĩ tiền mặt của NH Đại Tín không đủ giải ngân cho Phương Trang
VKS khẳng định phương pháp truy ngược dòng tiền để chứng minh các khoản thu chi, cấn trừ là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với các lời khai của lãnh đạo nhân viên NH Đại Tín chi nhánh Sài gòn và Nam Giang trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều thừa nhận là đã thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Thảo, cũng như bị cáo Loan trong việc thu chi cấn trừ.
Cụ thể, căn cứ vào lời khai của nhân viên ngân hàng và lời khai của bị cáo Phấn, cho rằng bà Phấn đã lợi dụng công ty Phương Trang cần có tiền để kinh doanh và có tài sản đảm bảo nên yêu cầu ký trước hồ sơ giải ngân, tất cả hồ sơ tín chấp 1 lần bao gồm cả hồ sơ sử dụng vốn vay, miễn giảm lãi, sau đó sử dụng hồ sơ chi giải ngân để hợp thức hạch toán cấn trừ thu chi, nhưng thực tế không có việc giải ngân trong hồ sơ hoặc chứng từ giải ngân không đủ số tiền ghi trong hợp đồng tín dụng.
Quĩ tiền mặt thực tế của NH Đại Tín tại thời điểm đó không đủ để giải ngân theo chứng từ thể hiện. Vào tháng 2/2012, theo kết luận của cơ quan thanh tra giám sát NHNN thì vốn chủ sở hữu của NH Đại Tín đã âm, các phiếu thu trong ngày hoàn toàn là phiếu thu khống, điều này cũng phù hợp với lời khai của các nhân viên ngân hàng.
Những người đứng tên nộp tiền trên phiếu thu đều thừa nhận, việc ký tên trên phiếu thu chỉ là ký chứng từ, không nộp tiền mặt thực tế như Hứa Thị Bích Hạnh, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Kim Thanh, Hoàng Văn Toàn nên không thể có việc giải ngân tiền mặt cho công ty Phương Trang như chứng từ thể hiện. Việc có hồ sơ giải ngân chỉ là để cấn trừ hạch toán thu khống.
VKS đối đáp lại trách nhiệm dân sự của bị cáo và người có liên quan
Đối với kháng cáo của nhóm Phú Mỹ, bản án sơ thẩm đã tuyên buộc nhóm này phải tiếp tục trả các khoản nợ vay của CBBank. Các luật sư cho rằng bị cáo, người liên quan đã thực hiện việc ký kết các hợp đồng tín dụng với NH Đại Tín. Theo quy định Bộ luật dân sự, việc ký kết hợp đồng tín dụng phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan nên buộc những người này trả cho ngân hàng là đúng pháp luật nhưng bản án sơ thẩm quy kết do bà Phấn phải trả.
VKS cho rằng toàn bộ hợp đồng tất toán đó khi được trả xong thì khấu trừ vào phần nghĩa vụ dân sự của bà Phấn. Bản án dân sự cũng ghi nhận quyền khởi kiện của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là đúng pháp luật.
Đối với số tiền hạch toán thu chi khống để chi trả cho tổ chức, cá nhân ngoài nhóm Phú Mỹ đã được làm rõ qua các lời khai của bị cáo. Các lời khai đều thừa nhận mọi khoản thu là thu khống rồi đưa vào chính tài khoản của các bị cáo và chuyển trả nợ cho bà Phấn. Đây là số tiền là vật chứng, là số tiền bà Phấn đã gây thiệt hại cho Ngân hàng nên bản án sơ thẩm buộc phải thu hồi là có căn cứ theo pháp luật.
Liên quan 208 tỉ đồng của bị cáo Ngân, vấn đề này VKS đã phân tích rõ. Bị cáo chuyển tiền từ Ngân hàng Nhà nước sang chi trực tiếp cho khách hàng qua cấn trừ thu chi các khoản, còn lại 208 tỉ không chứng minh được chi cho ai và vào lúc nào nên buộc bị cáo bồi thường là có căn cứ.