VNG lỗ hơn 223 tỷ đồng trong quý IV/2020
CTCP VNG (VNG Corp) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 ghi nhận doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.611 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 14% lên 583 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đồng loạt tăng, mức tăng lần lượt là 188% và 52% lên 2,3 tỷ đồng và 476 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 5% xuống xấp xỉ gần 214 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, quý IV/2020, doanh nghiệp lỗ sau thuế 223 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33,5 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 123 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2020, VNG đạt 6.034 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%, và 190,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 58% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 457 tỷ đồng.
Năm 2020, VNG đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 6.714 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận sau thuế âm 246 tỷ đồng và lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 299 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả đạt được bên trên, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 90% mục tiêu về doanh thu năm, vượt 1,5 lần kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt ngoài kỳ vọng.
Giải thích về việc đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế âm trong năm 2020, Ban lãnh đạo VNG cho biết là do đầu tư các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay. Hiện VNG đang nắm giữ cổ phần của Zion - công ty sở hữu ZaloPay.
Đồng thời doanh nghiệp này cũng sở hữu xấp xỉ 100% cổ phần tại một số công ty con khác như CTCP Công nghệ EPI (100%), MPT Entertainment Pte (99,94%), CTCP Dịch vụ - Dữ liệu công nghệ thông tin Vi na (99,94%), CTCP Xone (98%),…
Ngoài ra, VNG còn đầu tư vào Tiki từ năm 2016, nắm giữ 22,23% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tương ứng của trang thương mại điện tử này.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của VNG đạt 7.818 tỷ đồng, tăng 795 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là 4.519 tỷ đồng, chiếm gần 58% tổng tài sản doanh nghiệp.
Nợ phải trả tính đến cuối quí IV/2020 là 1.673 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn là 820 tỷ đồng, chiếm 49% tổng nợ doanh nghiệp. Công ty không sử dụng nợ vay.
Hiện doanh nghiệp có 7.818 tỷ đồng tổng nguồn vốn, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là 22%, tương đương với mức 22,6% hồi đầu năm 2020.