|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ủy ban Châu Âu (European Commission - EC) là gì? Các quyền của Ủy ban Châu Âu

15:13 | 10/12/2019
Chia sẻ
Ủy ban Châu Âu (tiếng Anh: European Commission; viết tắt: EC) là tổ chức then chốt, cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm thi hành các quyết định, giám sát việc duy trì các hiệp ước, các qui định của Liên minh châu Âu...
20190121-eu-hd051-1080x675

Hình minh họa (Nguồn: epha.org)

Ủy ban Châu Âu (European Commission - EC)

Khái niệm

Ủy ban Châu Âu trong tiếng Anh là European Commission; viết tắt là EC.

Ủy ban châu Âu (EC) là tổ chức then chốt, cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm thi hành các quyết định, giám sát việc duy trì các hiệp ước, các qui định của Liên minh châu Âu và điều hành công việc hàng ngày của Liên minh.

Cơ cấu tổ chức

Ủy ban gồm 27 ủy viên hoạt động như một nội các chính phủ. Mỗi nước thành viên trong Liên minh có một ủy viên tham gia, các ủy viên này đại diện cho quyền lợi của toàn Liên minh, hơn là quyền lợi của nước mình. Trước khi đảm nhận nhiệm vụ, toàn bộ các ủy viên phải được Nghị viện châu Âu chấp thuận. Một trong số 27 uỷ viên làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu được Hội đồng châu Âu bổ nhiệm với sự đồng ý của Nghị viện châu Âu.

Các quyền của Ủy ban Châu Âu

Ủy ban hoạt động như một chính quyền độc lập siêu quốc gia, tách riêng khỏi các chính phủ; được mô tả như "cơ quan duy nhất dành cho việc suy nghĩ tới châu Âu". Uỷ ban châu Âu có các quyền:

- Quyền hành pháp của Liên minh do Hội đồng nắm giữ: Hội đồng trao cho Ủy ban một số quyền để hoạt động. Tuy nhiên, Hội đồng có thể rút lại các quyền này, tự mình trực tiếp hành động, hoặc áp đặt các điều kiện cho việc sử dụng chúng. Các quyền này được qui định ở các điều 211–219 của Hiệp ước Liên minh châu Âu và bị hạn chế nhiều hơn quyền hành pháp quốc gia.

- Ủy ban khác với các thể chế khác trong các trụ cột của Liên minh châu Âu ở chỗ riêng nó có quyền đề ra các sáng kiến lập pháp, nghĩa là chỉ Ủy ban mới có thể đưa ra các đề nghị chính thức về lập pháp. Ủy ban chia sẻ quyền này với Hội đồng về chính sách đối ngoại và an ninh chung, nhưng không có quyền về việc hợp tác tư pháp và cảnh sát trong các vấn đề tội phạm.

Tuy nhiên trong Liên minh châu Âu, thì Hội đồng và Nghị viện có thẩm quyền đề nghị lập pháp; trong phần lớn các trường hợp, Ủy ban đề xướng phần căn bản của các đề nghị này, điều đó bảo đảm việc dự thảo luật của Liên minh châu Âu được phối hợp chặt chẽ và mạch lạc.

Các quyền đề nghị luật của Ủy ban thường tập trung vào việc chỉnh đốn kinh tế, đề xuất nhiều điều chỉnh dựa trên "nguyên tắc phòng ngừa". Điều này có nghĩa là việc điều chỉnh chặn trước sẽ xảy ra nếu có một nguy cơ tác động đến môi trường hoặc sức khỏe con người. Ví dụ việc xử lí vấn đề biến đổi khí hậu, hạn chế sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO). 

Trong nhiều trường hợp, Ủy ban đã đưa ra các điều chỉnh nghiêm ngặt hơn các nước khác. Do qui mô rộng lớn của thị trường châu Âu, nên trên thực tế, Ủy ban trở thành chủ thể điều chỉnh thị trường toàn cầu.

- Gần đây, Ủy ban đã xúc tiến soạn thảo luật tội phạm châu Âu. Năm 2007, một đề nghị luật chống tội phạm khác được xúc tiến là Chỉ thị về tăng cường các biện pháp chống tội phạm nhằm bảo đảm việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ. 

Khi luật pháp đã được Hội đồng và Nghị viện thông qua, thì Ủy ban có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành, thông qua các nước thành viên hoặc qua các cơ quan của Liên minh. Ngoài ra, Ủy ban còn chịu trách nhiệm thi hành Ngân sách Liên minh châu Âu, cùng với Tòa Kiểm toán, bảo đảm quĩ của Liên minh được chi tiêu chính xác.

- Ủy ban có trách nhiệm bảo đảm các hiệp ước và luật được duy trì, bằng cách đưa các nước thành viên hoặc các cơ quan vi phạm ra trước Tòa án Liên minh châu Âu để xét xử.

- Ủy ban cũng có một số vai trò đại diện đối ngoại cho Liên minh, như đại diện trong các tổ chức như WTO. Chủ tịch Ủy ban cũng thường dự các cuộc họp của G8.

(Tài liệu tham khảo: tulieuvankien.dangcongsan.vn)

Tường Vy