|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trang mạng (Website) là gì? Các mô hình website trong Thương mại Điện tử

16:31 | 05/10/2019
Chia sẻ
Trang mạng (tiếng Anh: Website) là một dãy các trang Web liên kết với nhau và liên kết với các site khác. Theo đó wedsite có những nội dung, ưu điểm, và mô hình cần chú ý.
Website

Hình minh họa (Nguồn: gestiopolis)

Trang mạng

Khái niệm

Trang mạng trong tiếng Anh gọi là: Website.

Một Website là một dãy các trang Web liên kết với nhau và liên kết với các site khác. Các trang web chứa văn bản (text), đồ họa, các quảng cáo (banner) và đôi khi cả video và audio.

Trang chủ (home page) Là trang đầu tiên khi nạp một URL. Trang chủ chứa các liên kết đến vùng riêng trong website. 

Trang web (web page): các trang web chứa các thông tin và được liên kết từ trang chủ đến. 

Website trong thương mại điện tử coi như một cửa hàng trực tuyến hay cửa hàng ảo.

Website là một "Show-room" trên mạng Internet – nơi trưng bày và giới thiệu thông tin, hình ảnh về doanh nghiệp và sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp (hay giới thiệu bất kì thông tin nào khác) cho mọi người trên toàn thế giới truy cập bất kì lúc nào. 

Để một website hoạt động được cần phải có tên miền (domain), lưu trữ (hosting) và nội dung (các trang web hoặc cơ sở dữ liệu thông tin). 

Đặc điểm tiện lợi của website: thông tin dễ dàng cập nhật, thay đổi, khách hàng có thể xem thông tin ngay tức khắc, ở bất kì nơi nào, tiết kiệm chi phí in ấn, gửi bưu điện, fax, thông tin không giới hạn (đăng tải thông tin không hạn chế, không giới hạn số trang, diện tích bảng in...) và không giới hạn phạm vi địa lí. 

Nội dung

Những phần nội dung thiết yếu của một website: website thường có các phần nội dung sau: 

- Trang chủ: trang đầu tiên hiện lên khi người ta truy cập website đó. Trang chủ là nơi liệt kê các liên kết đến các trang khác của website. Trang chủ thường dùng để trưng bày những thông tin mới nhất mà doanh nghiệp muốn giới thiệu đầu tiên đến người xem.

- Trang liên hệ: trưng bày thông tin liên hệ với doanh nghiệp và thường có một form liên hệ để người xem gõ câu hỏi ngay trên trang web này. 

- Trang thông tin giới thiệu về doanh nghiệp (About us): người xem khi đã xem website và muốn tìm hiểu về nhà cung cấp, do đó doanh nghiệp cần có một trang giới thiệu về mình, nêu ra những thế mạnh của mình so với các nhà cung cấp khác. 

- Trang giới thiệu về sản phẩm hay dịch vụ: giới thiệu sản phẩm, dịch vụ với các thông tin và hình ảnh minh họa. 

- Trang hướng dẫn hoặc chính sách: dùng để cung cấp thông tin cho người xem trong trường hợp họ muốn mua hay đặt hàng, dịch vụ. Thông tin trên trang này sẽ hướng dẫn họ phải làm gì, chính sách của doanh nghiệp như thế nào v.v... 

Trang này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều công sức trả lời các câu hỏi "làm thế nào" của người xem và tạo cho người xem ấn tượng tốt về tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp. 

Ưu điểm

Các Website có ưu điểm: 

Có thể cho phép hàng ngàn người truy cập nhanh chóng

Thông báo về sự hiện diện của doanh nghiệp

Giảm chi phí phục vụ khách hàng

Vươn ra thị trường thế giới

Dễ dàng phản hồi các chiến dịch khuếch trương

Luôn sẵn sàng (24/7/365)

Là công cụ hỗ trợ thuận tiện Tiết kiệm nhân lực từ sử dụng FAQ (frequent asked questions)

Có thể nhằm vào thị trường địa phương và thị trường quốc tế

Chi phí thấp

Tự động thu thập thông tin.

Các mô hình website Thương mại Điện tử

Có nhiều dạng mô hình website. Bên dưới lần lượt giới thiệu một số mô hình điển hình. 

- Cửa hàng điện tử, siêu thị điện tử: nổi tiếng nhất ở dạng này là website www.amazon.com, bán lẻ sách, CD, ứng dụng phần mềm, đồ chơi... qua mạng. 

Mô hình này hoạt động tương tự một siêu thị hay cửa hàng truyền thống, cho phép người mua chọn lựa hàng hóa, thay đổi số lượng món hàng, tính tiền, thanh toán và nhận hàng sau đó. 

- Đấu giá trực tuyến: nói đến mô hình đấu giá trực tuyến (online auction) thì www.eBay.com dẫn đầu về sự nổi tiếng. 

Website đấu giá trực tuyến mô phỏng qui trình bán đấu giá vật dụng, tức người bán đưa ra giá sàn (giá thấp nhất ban đầu), sau đó những người mua lần lượt trả giá cao hơn. Đến thời điểm nhất định, ai trả giá cao nhất sẽ là người có quyền mua món hàng.

- Sàn giao dịch B2B: một sàn giao dịch điển hình là www.alibaba.com, là nơi các doanh nghiệp tham gia giới thiệu về mình, đăng tải các yêu cầu mua, bán, tìm đối tác. Vì là B2B2 nên những sàn giao dịch này không phục vụ việc bán lẻ và thanh toán qua mạng vì không cần thiết. 

- Cổng thông tin (portal): giống như danh bạ điện thoại liệt kê thông tin liên lạc của các công ty theo ngành nghề, những cổng thông tin này liệt kê những địa chỉ website theo phân loại ngành nghề, ví dụ www.dir.yahoo.com 

- Mô hình giá động (dynamic pricing models): với những website mô hình này, người mua có thể trả giá theo ý mình (tùy người bán có đồng ý bán hay không). 

Đặc điểm của ngành du lịch (hàng không, khách sạn, vận chuyển công cộng...) là nếu tỉ lệ chiếm chỗ (room/seat occupation) là X% < 100% thì (100-X)% chỗ ngồi hay phòng khách sạn sẽ xem như bỏ đi. 

Do đó, với mô hình này, người mua có thể trả giá vào những giờ phút cuối cùng và người bán có thể đồng ý bán. 

- Website thông tin phục vụ việc quảng bá, quảng cáo: ví dụ www.vnexpress.net là nơi trưng bày nhiều thông tin thời sự, giải trí, du lịch, văn hóa... để tạo cộng đồng người xem đông đúc và từ đó có doanh thu từ những đối tượng có nhu cầu đăng quảng cáo (banner). 

- Website giới thiệu thông tin của doanh nghiệp: cuối cùng là website đơn giản nhất, chỉ để giới thiệu thông tin về doanh nghiệp, dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp, và cho phép người xem liên lạc với doanh nghiệp qua website này. Doanh nghiệp có thể bán sản phẩm của mình thông qua website giới thiệu thông tin này

(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Thương mại Điện tử, Trần Công Nghiệp, 2008, NXB Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh)

Tuyết Nhi