|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trại tôm giống đóng cửa vì sóng COVID-19 thứ 4

15:19 | 21/09/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam, các trại tôm giống đang gặp khó trong quá trình nhập khẩu tôm bố mẹ và vận chuyển ấu trùng tôm.

Do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 mới, ngành tôm Việt Nam đang đứng trước khá nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý có vấn đề nguồn cung tôm giống, trang SeafoodSource đưa tin.

Cụ thể, theo chia sẻ của một đại diện từ Tổng cục Thủy sản Việt Nam, các trại sản xuất tôm giống trong nước đang gặp khó trong việc nhập khẩu tôm bố mẹ cũng như vận chuyển ấu trùng tôm đến các vùng nuôi tôm.

Dẫn lời vị này, SeafoodSource cho biết việc vận chuyển tôm bố mẹ từ Mỹ và Thái Lan về Việt Nam bị hạn chế đáng kể do các lệnh kiểm soát đi lại. Giờ đây, các lô hàng tôm bố mẹ từ Mỹ về nước ta phải mất khoảng 60 giờ và tiêu tốn từ 40 đến 60 USD, lần lượt tăng so với khoảng 45 giờ và từ 20 đến 30 USD trước đại dịch.

Hơn nữa, các trại sản xuất giống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng đang phải vật lộn để đưa nguồn hàng đến khu vực ĐBSCL do các quy định nghiêm ngặt về di chuyển nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hai tỉnh này đáp ứng khoảng 70% nhu cầu ấu trùng tôm cho đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng hàng tỷ ấu trùng tôm mỗi tháng.

Để phản ứng trước tình hình mới, vào đầu tháng 7, một số trại giống ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã bắt đầu giảm công suất và tính đến ngày 15/8, hầu hết trại sản xuất tôm giống đã giảm một nửa sản lượng hoặc tạm ngừng hoạt động hoàn toàn.

Ngoài ra, các trại giống còn gặp khó khăn trong việc mua thức ăn thủy sản, vì lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng làm giảm năng lực của các nhà cung ứng. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 35 nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm, công suất thường niên rơi vào khoảng 2 triệu tấn.

Song, hai cơ sở đã phải ngừng sản xuất do đại dịch COVID-19 và 33 nhà máy còn lại phải giảm công suất đáng kể do tình trạng thiếu hụt lao động, theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam.

Hiện, Việt Nam có khoảng 2.063 trại sản xuất tôm giống đang hoạt động, ước tính cho ra khoảng 106,6 tỷ ấu trùng tôm mỗi năm, trong đó bao gồm 75,8 tỷ ấu trùng tôm thẻ chân trắng và 30,8 tỷ ấu trùng tôm sú.

Bên cạnh đó, nước ta còn có khoảng 55.000 con tôm bố mẹ, bao gồm 50.000 tôm thẻ chân trắng và 5.000 con tôm sú.

Trong điều kiện bình thường, các trại giống trong nước có thể sản xuất từ 7 đến 10 tỷ ấu trùng tôm mỗi tháng và có thể tăng lên 12 tỷ con nếu nhu cầu nhảy vọt.

Trại tôm giống bít cửa vì sóng COVID thứ 4 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: tepbac.com).

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thực hiện, 30 - 40% công ty thủy sản ở khu vực phía nam vẫn mở cửa tại thời điểm đầu tháng 9.

Tuy nhiên, tổng sản lượng của các công ty trên đã sụt giảm 50 - 60% so với trước khi làn sóng COVID thứ 4 ập đến. VASEP ước tính, công suất chế biến thủy sản của khu vực phía nam đã lao dốc khoảng 60 - 70%.

So với các tháng qua, cuộc khủng hoảng y tế tại nước ta dường như đã dịu đi phần nào. Từ tuần trước, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Cà Mau đã chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, nới lỏng đáng kể quy định giãn cách xã hội.

Chính phủ chưa có lịch trình gỡ bỏ toàn bộ các quy định phòng chống dịch đang được áp dụng. Tuy nhiên, VASEP dự đoán rằng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản ở miền nam có thể nhanh chóng vận hành trở lại một khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bình thường mới.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.