Giữa tháng 7, chính quyền nhiều tỉnh khu vực phía Nam ban hành quy định "3 tại chỗ" gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Nhưng với doanh nghiệp thủy sản, dường như đây chỉ là cái ổng thở chứ không phải liều thuốc điều trị.
Sau hơn một tháng thực hiện, 35% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, số còn lại chỉ hoạt động với công suất trung bình 40 - 50%.
Nguyên nhân không chỉ là chi phí để lo nơi ăn, chốn ở và xét nghiệm định kỳ cho công nhân tại khu vực nhà máy quá cao, phần đông doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi yêu cầu và buộc phải lựa chọn tạm đóng cửa mà cả việc tắc nghẽn thu mua, vận chuyển khiến thủy sản nằm yên trong ao.
Chia sẻ tại một cuộc họp mới đây giữa doanh nghiệp thủy sản và Bộ NN&PTNT, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho biết công ty đã thuê tất cả khách sạn, kể cả khách sạn 5 sao tại địa bàn các nhà máy nhưng cũng không đáp ứng được toàn bộ số lượng nhân viên.
Hiện chỉ có 23% công nhân Minh Phú có thể đi làm và công suất các nhà máy cũng chỉ khoảng 20 - 30%.
Còn với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, lựa chọn giữa việc "đóng" và "mở", giữa việc chấp nhận chi phí tăng và sinh kế của công nhân - dù chỉ là một bộ phận nhỏ - dường như khó khăn hơn bao giờ hết.
"Phí tổn tăng khá nhiều, chế biến cách này không có hiệu quả. Nhưng không làm, người khó khăn tăng thêm; không làm, người nuôi tôm biết bán đâu; không làm, đối tác bắt đền bù hợp đồng sẽ ra sao!", ông Lực nói.
Để chuẩn bị cho 2 tuần "3 tại chỗ" theo thông báo đầu tiên của tỉnh, Sao Ta mất trước đó một tuần chuẩn bị. Sao Ta tận dụng mọi chỗ trống; chỗ đẹp ưu tiên phụ nữ; nam chia nhau nền sàn.
Hai tuần chất vật trôi qua. Lao động tham gia gần 40%, kể cả khối gián tiếp. Sản phẩm chỉ đạt 25-30% so bình thường, một phần do đội ngũ là sự gom chung nhân lực nhiều xưởng về chế biến một xưởng, một số kỹ năng chưa thành thục, năng suất lao động thấp. Ai cũng trông mong ngày kết thúc, kết quả là thêm 2 tuần gia hạn.
"Thêm 2 tuần gia hạn", có lẽ là tin mà không doanh nghiệp nào muốn nghe nhưng nó là sự thật. Họ tiếp tục thoi thóp với chiếc "máy thở" mang tên "3 tại chỗ" - biện pháp mà chính quyền các tỉnh coi là giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong đại dịch.
Đại diện của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI lo ngại việc cầm chừng chỉ 30% lao động và công suất, sẽ dẫn đến việc thiếu lao động sau khi hoạt động công ty bình thường trở lại.
"Việc giãn cách càng cao thì công nhân thất nghiệp càng lớn. Không đi làm không có lương. Sau này công ty kéo công nhân lại về sản xuất rất khó", đại diện IDI cho biết.
Tại Cà Mau, đã có lúc doanh nghiệp được tạo điều kiện để sản xuất bình thường, nhưng chỉ một công ty phát hiện F0, tất cả nhà máy trong tỉnh phải quay lại "3 tại chỗ" nếu muốn tiếp tục sản xuất.
Hệ quả là công suất sản xuất đang từ 95% so với trước dịch, rớt xuống vài chục phần trăm.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.
Tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa nếu không đáp ứng được "3 tại chỗ". Thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hơn thế nhiều nhà máy chế biến nằm trong "vùng đỏ" nên toàn bộ lao động từ "vùng xanh" không tới làm việc được tại nhà máy.
Nhà máy của Minh Phú là ví dụ điển hình. Nhà máy chế biến ở Hậu Giang nằm ở khu công nghiệp Nam Sông Hậu, đầu trên là Cần Thơ đầu dưới Sóc Trăng, cách nhà máy khoảng 7 km.
Trong khi đó, công nhân lại tập trung nhiều toàn ở Sóc Trăng và Cần Thơ còn ở Hậu Giang không nhiều.
Muốn sang nhà máy ở Hậu Giang thì công nhân phải cách ly trong khi "3 tại chỗ" không thể đáp ứng hết. Công nhân không thể đi lại hai để làm việc nên đành "chết cứng".
Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với năng suất cầm chừng, cộng với sự "biến mất" của thương lái vì tắc nghẽn trong khâu thu mua và vận chuyển đã bẻ gãy chuỗi cung ứng của ngành thủy sản, từ đầu cá, tôm nguyên liệu tại các hộ nuôi đến nhà máy chế biến.
"Giá tôm thành phẩm nước ngoài đã tăng lên rất nhiều. Với mức giá tôm nguyên liệu như ngày 4/7 (113.000 đồng/kg) là người dân có lãi. Lẽ ra, nếu sản xuất được thì giá tôm nguyên liệu thậm chí cao hơn 4/7 và người dân có thể tiếp tục thả giống. Nhưng hiện nay, giá tôm thu mua lại giảm mạnh", đại diện Minh Phú nói.
Nguyên nhân của nghịch lý này là do những quy định chốt kiểm dịch, giấy đi đường, xét nghiệm nhanh tài xế, giấy phép của các bên,… khiến việc thu mua cá tra, tôm nguyên liệu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo VASEP, nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng ngành thủy sản đang hiện hữu ngày một rõ ràng bởi khu vực ĐBSCL hiện chiếm tới 70% lượng thủy sản chế biến của cả nước.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua.
Ông Lê Văn Quang cho biết, giá tôm nguyên liệu loại 60 con/kg mà công ty thu mua đang lao dốc. Theo đó, giá tôm loại 60 con/kg mà công ty thu mua tính từ ngày 4/7 đến ngày 30/8 giảm mạnh hơn 20% xuống còn 89.000 đồng/kg.
Thậm chí, nếu thương lái thu mua giá còn thấp hơn so với nhà máy khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg do phải chịu nhiều chi phí phát sinh do vận chuyển trong mùa dịch khó khăn. Với giá này, người nuôi tôm sẽ lỗ nặng và không thể tái thả tôm ở vụ sau.
Nhiều nơi, thậm chí thương lái không đến thu mua. Trên Báo Cà Mau, ông Hồ Văn Lực, một người nuôi tôm ở huyện Cái Nước cho biết: "Hiện tại, sau gần 100 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 30 con/ kg, muốn bán để thu hồi vốn và trang trải cuộc sống trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhưng kêu lái bán thì chưa được, còn nuôi tiếp thì thức ăn vận chuyển cũng khó khăn, cùng với sức tải môi trường ao nuôi cũng đến ngưỡng.".
Còn ông Nguyễn Trọng Hiếu (huyện Đầm Dơi), cũng được thương lái kêu chờ, trong khi ao tôm kích cỡ 30 con/kg cũng đang thiếu thức ăn vì bên giao thức ăn cũng kêu... chờ.
Các nhà máy hoạt động cầm chừng khiến cả thương lái và chủ nhà máy không mặn mà trong việc thu mua, dù nguy cơ mất đơn hàng thành phẩm hiển hiện đối với các nhà máy.
"Hiện tại nhiều khách hàng trên khắp thế giới của Minh Phú đang khẩn thiết yêu cầu Minh Phú cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Nếu không giao được hàng thì họ sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan thì Minh Phú mất khách hàng và mất thị trường. Mà để khôi phục được lại phải mất 3 - 5 năm và có khi mất luôn mà không khôi phục được lại nữa", ông Quang cho biết.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với ngành cá tra khi giá chỉ còn khoảng 23.000 - 20.500 đồng/kg. Theo VASEP, với mức giá như hiện nay người nuôi lỗ 900 - 1.400 đồng/kg.
Nhiều hộ nông dân đang nuôi cầm chừng để chờ giá cá tra tăng lên. Hiện rất ít doanh nghiệp chế biến nào đẩy mạnh mua vào nên lựa chọn duy nhất của hộ nuôi là cầm chừng.
Cá tra đang ở giai đoạn lý tưởng để thu hoạch (800gr-1kg/con). Tuy nhiên, nếu đợi khi chuỗi cung ứng hoạt động bình thường trở lại, lứa cá này sẽ vượt mức 1 kg/con. Thế nhưng loại cá này đem lại giá trị rất thấp và chỉ tiêu thụ ở một vài thị trường nhỏ.
"Nhiều kịch bản có thể diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới, tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng thị trường sẽ gặp một vài rắc rối liên quan đến việc thừa cá size lớn trong khi size cỡ nhỏ lại thiếu", một chuyên gia trong ngành trả lời chuyên trang thủy sản Undercurrent News.
Vị này cho biết nhiều người nuôi cá tra quyết định cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí không có ý định thả trở lại bởi không có vốn. Vấn đề năm nay không còn nằm ở nhu cầu thấp như năm ngoái nữa.
Đại diện công ty Siam Canadian chi nhánh tại Việt Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp thậm chí không dám chào bán bởi còn nhiều bất ổn liên quan đến việc phòng dịch, chi phí hoạt động cao, giá cước tàu liên tục leo thang, cỡ cá nguyên liệu quá khổ… Ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, nguy cơ thiếu cá có cỡ nhỏ - vừa rất cao.
Kịch bản thiếu cá nguyên liệu cho năm sau đã hiện hữu do người dân không thể tái thả giống do những bất cập về vận tải và cả các thành phần khác trong chuỗi như thức ăn, con giống.
Undercurrent News dẫn lời bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn. Vĩnh Hoàn đang phải giảm 50% công suất.
"Chúng tôi cho rằng cần mất ít nhất một tháng hoặc thậm chí nhiều hơn để nhà máy có thể phục hồi sản xuất, với điều kiện toàn bộ công nhân được tiêm vắc xin.
Ngoài ra, do dịch COVID-19 nên nhiều hộ đã không tái thả cá giống. Nếu nhà máy được nâng dần công suất từ tháng 9 sẽ giúp giảm bớt sự hỗn loạn về nguồn cung. Chúng tôi lo ngại rằng nguồn cung sẽ khan hiếm trong 8 tháng tới", bà Tâm Nguyễn cho biết.